5 mẹo nhỏ khi bạn đi phỏng vấn tìm việc
1.Hãy giới thiệu về bản thân bạn?
Đây thường là câu hỏi đầu tiên của nhà tuyển dụng. Với câu hỏi này thông thường nhà tuyển dụng muốn biết khả năng tổng hợp thông tin cũng như kỹ năng trình bày logic của ứng ứng viên, cũng có khi người phỏng vấn hoặc 1 trong số những người phỏng vấn chưa đọc kỹ/chưa đọc CV của ứng viên và họ sẽ vừa đọc CV của bạn và vừa nghe bạn trả lời J
Khuyến khích: Tóm tắt ngắn gọn (2-3 phút) quá trình làm việc tính từ công ty gần nhất về trước, chỉ cần nói tên cty, khoảng thời gian và chức danh thôi, không nên kể quá nhiều về kinh nghiệm. Nếu là Sinh viên mới ra trường thì có thể nói về kinh nghiệm tham gia hoạt động ngoại khóa/Câu lạc bộ, thực tập,…
Nên tránh: Kể quá chi tiết về kinh nghiệm hoặc nói dông dài về quê quán, sở thích, điểm mạnh/điểm yếu. Hãy nhớ bạn chỉ có 2-3 phút cho câu hỏi này thôi nhé.
2.Điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gì?
Câu này nhà tuyển dụng một lần nữa muốn biết bạn thực sự tự tin điểm gì ở bản thân cũng như bản thân có tự đánh giá được mình cón thiếu sót gì không. Tìm kiếm thử một vòng trên mạng thì thấy có khá nhiều trang hướng dẫn trả lời câu nay rất hay nhưng cũng khá máy móc, thực tế mình cũng gặp không ít bạn có sự chuẩn bị, tìm hiểu trước và trả lời theo sách vở kiểu như: Điểm yếu của tôi là tham công tiếc việc, hay ôm đồm công việc,…nhà tuyển dụng không đánh giá cao sự chuẩn bị kiểu như vậy.
Khuyến khích trả lời:
- Điểm mạnh: Nêu 2-3 điểm mạnh có liên quan trực tiếp đến công việc đang dự tuyển, điều này đòi hỏi bạn phải tìm hiểu rất kỹ về bản mô tả công việc cũng như những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng/ kinh nghiệm, thái độ/ hành vi… của vị trí mình đang phỏng vấn.
- Điểm yếu: Nói 1-2 điểm yếu – là điểm mà thực sự bản thân mình thấy chưa tự tin và quan trọng là bạn phải thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được bạn có mong muốn hoặc đang cố gắng khắc phục điểm yếu đó để hoàn thiện bản thân.
3.Mục tiêu, đính hướng nghề nghiệp của bạn?
Câu này nhà tuyển dụng muốn biết xem bạn là người có biết đặt mục tiêu phù hợp với năng lực bản thân hay không, có thực sự suy nghĩ nghiêm túc về định hướng công việc sắp tới hay không, và định hướng đó có phù hợp với định hướng của vị trí công việc bạn đang ứng tuyển hay không.
Khuyến khích trả lời: Nêu mục tiêu ngắn hạn trong 1-2 năm, phù hợp với thực tế và khả năng, có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển và đặc biệt cần có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Nếu là Sinh viên mới ra trường thì trau dồi kinh nghiệm là mục tiêu nên đặt lên hàng đầu. Mục tiêu, định hướng nghề nghiệp phải bổ trợ cho nhau và có liên quan trực tiếp đến vị trí dự tuyển.
Phần định hướng nghề nghiệp nên cho nhà tuyển dụng thấy được việc tham gia ứng tuyển vào vị trí đang phỏng vấn là một bước quan trọng trong con đường sự nghiệp của mình.
Nên tránh:
- Nêu mục tiêu hoành tráng xa xôi nhưng không có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu. Vd: Trở thành Project Manager trong vòng 5 năm nữa chẳng hạn.
-Định hướng nghề nghiệp không rõ ràng, kiểu cần kinh nghiệm nên công ty cho làm vị trí gì cũng chấp nhận. Nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao các ứng viên chưa xác định được mình muốn làm công việc gì khi đi phỏng vấn.
4.Bạn biết gì về công ty chúng tôi? Vì sao bạn chọn công ty chúng tôi?
Câu hỏi này nhà tuyển dụng muốn biết bạn đã làm bài tập về nhà chưa? J tức là có thực sự tìm hiểu nghiêm túc về công ty, công việc dự tuyển chưa và qua đó muốn các bạn tự đánh giá mức độ phù hợp của bản thân với vị trí này.
Khuyến khích: Trả lời ngắn gọn về lịch sử hình thành, phát triển của công ty và kể được một số sản phẩm/dịch vụ tiêu biểu của cty.
Phải tìm hiểu thật kỹ về công ty, công việc dự tuyển, có thể lên website công ty, các diễn đàn, hỏi bạn bè, anh, chị,…và quan trọng là bạn phải tranh thủ một lần nữa để thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy những kiến thức, kỹ năng/kinh nghiệm của bạn phù hợp với những yêu cầu của vị trí dự tuyển. Có thể chia sẻ với nhà tuyển dụng là bạn thích lĩnh vực hoạt động, sản phẩm/dịch vụ của cty nên mong muốn được góp phần phát triển. (Phải là bạn thích thật sự nhé).
Hãy khẳng định với nhà tuyển dụng rằng công việc đang dự tuyển là một bước quan trọng trong con đường phát triển nghề nghiệp của mình.
Nên tránh: Thông thường ứng viên hay trả lời lý do mình chọn công ty vì là công ty lớn có danh tiếng, chế độ, chính sách phúc lợi tốt,…nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao ứng viên khi trả lời theo hướng này. Một điều tối kỵ khi trả lời câu hỏi này là nêu sản phẩm/dịch vụ của công ty đối thủ thành sản phẩm/dịch vụ của công ty mình đang ứng tuyển hoặc nêu sai tên công ty, tên sản phẩm, dịch vụ của công ty.
5.Bạn biết gì về công việc ứng tuyển?
Câu hỏi này nhà tuyển dụng muốn biết bạn đã có chủ động tìm hiểu về công việc dự tuyển chưa. Khẳng định thêm lần nữa việc chủ động tìm hiểu thông tin về tính chất công việc, sản phẩm/dịch vụ, đối tượng khách hàng,…của công ty, công việc dự tuyển là hết sức quan trọng khi đi phỏng vấn.
Khuyến khích: Nêu được các ý chính trong bản mô tả công việc mà nhà tuyển dụng đã gửi cho mình, nêu được sản phẩm, dịch vụ, quy mô, đối tượng khách hàng mà mình sẽ phục vụ ở vị trí công việc này. Những thông tin này bạn có thể thấy trong bản mô tả công việc hoặc tìm trên mạng, tuy nhiên nếu có thể hãy tìm hiểu trước với Nhân viên Tuyển dụng - người đã liên hệ mời bạn ứng tuyển/phỏng vấn. Bạn có thể chủ động xin thông tin liên hệ của Nhân viên tuyển dụng (skype/ số điện thoại) để sau khi tìm hiểu nếu chưa rõ thì liên hệ hỏi kỹ trước khi đi phỏng vấn. Hạn chế dùng email trong trường hợp này vì thường email sẽ khó diễn tả được hết tính chất công việc và tâm lý nhà tuyển dụng cũng ngại trả lời email.
Bạn nhớ chuẩn bị thêm một số câu hỏi để tìm hiểu sâu về công việc trước khi đi phỏng vấn.
Nên tránh: Đi phỏng vấn mà chưa tìm hiểu gì về công việc, công ty. Công ty đang tuyển vị trí làm cho sản phẩm/dịch vụ A nhưng bạn lại nói ứng tuyển để làm cho sản phẩm/dịch vụ B….
|