4 cách sếp nhìn nhận và đánh giá đúng thực lực của bạn
Giáo sư quản lý Berrin Erdogan của đại học Portland, Mỹ cho biết: “Đối với người bị đánh giá năng lực quá thấp, họ sẽ cảm thấy thất vọng và năng suất làm việc cũng sẽ không cao. Theo thời gian làm việc lâu dài, năng lực thật sự sẽ suy yếu dần mặc dù khách quan công việc thường nằm ở dưới mức độ kỹ năng và trình độ của nhân viên”.
Khi làm việc ở một vị trí thấp hơn nhiều so với trình độ của bản thân, đa phần sẽ cảm thấy bị tước đoạt đi năng lực làm việc, kỹ năng và thậm chí, trí tuệ và cảm xúc với công việc. Điều này để lại hậu quả rất tiêu cực với hạnh phúc và sức khỏe.
Vì thế, giáo sư Erdogan đã đưa ra 4 lời khuyên cải thiện thái độ và cách thể hiện đúng mực để được đánh giá đúng thực lực trong công việc:
1. Giúp đỡ đồng nghiệp
“Giúp đỡ và chia sẻ kỹ năng chuyên môn với đồng nghiệp có thể hữu ích cho sự nghiệp của bạn”, Erdogan cho biết việc chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp, đặc biệt với những người mới đến khi cần thiết sẽ không chỉ tạo ra động lực làm việc mà còn khiến cấp trên có cái nhìn thiện cảm hơn với bạn.
Bạn cũng có thể chắc chắn, ý tưởng giải quyết vấn đề của mình là hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, hãy lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp trước khi đưa ra kết luận cuối cùng cho một vấn đề. Điều đó vừa thể hiện sự tôn trọng đồng nghiệp lại vừa có thể giúp bạn nhìn nhận vấn đề và cách giải quyết từ nhiều khía cạnh khác nhau.
Một nhân viên chuyên nghiệp là người năng động, có khả năng tư duy độc lập nhưng phải biết cách phối hợp ăn ý cùng với các đồng nghiệp.
Tuy nhiên, giúp đỡ ở đây không có nghĩa là làm hộ phần việc của người khác. Bởi khi đó là bạn đã vô tình khiến họ ỷ lại công việc. Bên cạnh đó, việc ôm đồm quá nhiều công việc cùng lúc sẽ khiến bạn dễ dàng rơi vào tình trạng mệt mỏi, áp lực và trầm cảm.
2. Mở rộng và làm giàu công việc
Nếu không thể tìm ra công việc cố định thì hãy tìm cách mở rộng và làm giàu công việc. Suy nghĩ sáng tạo về cách bạn có thể làm nhiều hơn cho công việc và quản lý những ý tưởng đó. Nếu làm tốt hai việc này, người quản lý sẽ hiểu năng lực của bạn và tạo ra những công việc mang tính thách thức khác thích hợp cho bạn.
Làm giàu công việc hay mở rộng và luân chuyển công việc đòi hỏi nhân viên phải có những kỹ năng và trình độ đa dạng. Điều này làm gia tăng cảm xúc hài lòng và cung cấp cơ hội cho việc phát triển cá nhân của mỗi nhân viên, đem lại lợi ích cho toàn thể doanh nghiệp.
3. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Bạn chán nản vì cảm thấy bản thân đang làm một công việc không có ý nghĩa? Hoặc cảm thấy mệt mỏi khi phải cạnh tranh để thăng tiến trong công việc? Nhiều nghiên cứu cho thấy những cảm xúc tiêu cực và thái độ với công việc có ảnh hưởng trực tiếp tới các vấn đề tâm lý, sức khỏe. Một khi cảm thấy tuyệt vọng về công việc, nên tìm đến sự chia sẻ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay bất cứ người nào khiến bạn tin tưởng.
Đừng ngại chia sẻ cảm xúc hay những khó khăn trong công việc với người thân và đồng nghiệp. Bạn hoàn toàn có thể nhờ họ tư vấn và giúp đỡ thêm để hoàn thành công việc tốt hơn. Đây cũng là một trong những kỹ năng giải quyết công việc giúp bạn vượt qua áp lực, nâng cao tinh thần lạc quan và tự tin vào khả năng của mình.
Ngoài ra, sự hỗ trợ này không nhất thiết phải đến từ người thân hay bạn bè mà hoàn toàn có thể là cách thư giãn tìm lại hứng thú, đam mê với công việc. Mỗi khi bế tắc, mệt mỏi và căng thẳng nên tạm thời gạt bỏ mọi công việc qua một bên và quan tâm đến các sở thích giải trí của mình. Nếu cảm thấy tư tưởng thoải mái hơn thì làm việc mới có hiệu quả.
4. Tìm kiếm thách thức mới
Nhiều người có xu hướng chọn những công việc an toàn, một công việc lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán làm trì hoãn sự phát triển của bản thân. Cảm thấy công việc hiện tại không có sự đổi mới, đồng nghĩa là nó không còn mang tính thách thức với bạn. Hãy tìm kiếm những cơ hội và thách thức mới!
“Một công việc phù hợp đủ để khơi dậy hứng thú sẽ phản ánh đúng tình trạng, năng lực và sự phát triển của bạn”, giáo sư Erdogan nói.
|