Làm sao để sống với nghề Freelance?
Trong bài viết này, người viết sẽ dụng các từ tiếng Anh trên thay vì cụm từ tiếng Việt tương ứng vì chúng đã khá quen thuộc và khi chuyển ngữ 2 từ trên cho ra những cụm từ khá dài.
Tôi và freelance
Từ thời sinh viên tôi đã chập chững làm quen với freelance, một cách bán thời gian. Học ngoại ngữ nên tôi lựa chọn theo đuổi công việc dịch thuật và viết lách thay vì làm gia sư như phần lớn bạn bè. Tôi bắt đầu bằng việc trở thành ghost-writer (là người sẽ viết những nội dung dưới tên một tác giả khác) cho những người quen biết đang làm các công việc báo chí – truyền thông.
Tôi viết bài dựa trên chủ đề và tài liệu được cung cấp với văn phong của người đã thuê mình. Công việc này mang lại cho tôi một nguồn thu đủ để trang trải cho tình yêu sách và cà phê. Tôi cũng nhận dịch đủ loại tài liệu từ học thuật, khoa học tới giải trí, truyện cười… Khi đó freelance là công việc để kiếm chút tiền tiêu vặt chứ không phải thứ tôi muốn theo đuổi dài lâu.
Ra trường, tôi vào làm việc cho một công ty đang phát triển nhanh và mạnh. Tôi khá may mắn khi gặp được sếp tốt, đồng nghiệp tuyệt vời. Ngay khi công việc đang trên đà thuận lợi và khả năng thăng tiến tốt, tôi xin nghỉ việc. Sếp, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đều bất ngờ với quyết định của tôi.
Tôi nghỉ việc không phải để nhảy việc. Thậm chí tôi còn chưa hề tìm một công việc mới để chuyển việc. Chỉ là trong cuộc sống bạn sẽ luôn cần hi sinh một thứ này để đạt được một thứ khác. Trong trường hợp của tôi, thứ tôi cần từ bỏ là thứ tôi sẽ không bao giờ buông tay.
Tôi bắt đầu nhận nhiều hơn những công việc dịch và viết mà tôi vẫn luôn nhận cầm chừng suốt thời gian đi làm toàn thời gian. Tôi cũng tham gia làm trợ lí cho những đoàn làm việc nước ngoài tại Việt Nam. Đó là khi tôi nhận ra freelance chứ không phải môi trường công sở hào nhoáng mới là công việc hợp với mình.
Nhận biết giá trị công sức lao động của mình
Tôi từng không tin khi nghe kể có người từng nói với một freelancer rằng "Anh tưởng freelancer làm free (miễn phí)". Thế rồi một ngày chính tôi được trải nghiệm định nghĩa này từ một người quen. Vậy là tôi phải ngồi giảng cả một bài giảng lịch sử và ngôn ngữ học cho người nọ.
Freelance trước khi trở thành một từ vốn là hai từ "free lance" (tay giáo tự do). Từ này xuất hiện từ đầu thế kỉ 19 để chỉ những người lính đánh thuê sẵn sàng làm việc cho bất kì quốc gia hay người nào trả họ nhiều của cải nhất. Không thua kém các "tổ nghề" của mình là bao, các freelancer ngày nay cũng vẫn đang phải lao vào một cuộc chiến không kém phần gay cấn.
Freelance là một chiến trường nơi các công ty trả giá cao nhất để có được những người giỏi nhất. Đó cũng là nơi các freelancer đưa ra những chào giá hấp dẫn nhất để nổi bật hơn các "đồng nghiệp" của mình.
Nhiều người đi tìm freelancer với ý nghĩ rằng chúng tôi chỉ là những kẻ thất nghiệp ngồi một góc làm việc tại nhà, không cần đầu tư nhiều nên phải nhận những công việc với mức giá bèo bọt. Freelancer, cũng như mọi ngành nghề khác, nếu muốn nổi bật phải giỏi và phải đầu tư. Chúng tôi cũng học, cũng rèn luyện, cũng dành thời gian và vật chất để đạt được đến trình độ nhất định.
Sống tự do có nề nếp
Một điểm rất tuyệt vời khi trở thành một freelancer là bạn được quyền chọn lựa đối tác, công việc, và thời gian. Bạn có thể mặc một bộ đồ ngủ, ngồi bất kì một góc nào bạn thích và làm việc. Bạn có thể bắt đầu giờ làm từ 10h sáng thay vì thức dậy từ 6h hay 7h để kịp tới công ty. Bạn có thể có không giới hạn số lần nghỉ giữa giờ mà không lo ai đánh giá.
Thế nhưng đây cũng chính là cạm bẫy của nghề này. Thời gian đầu, tôi từng dành cả ngày để "cày" hết mấy phần phim Sherlock và rồi cuống cuồng thức trắng đêm để làm kịp bài gửi khách vào sáng hôm sau. Kết quả là lần đó tôi phải dành thời gian gấp rưỡi thường lệ để sửa lại bài viết đó sau khi nhận đánh giá từ khách.
Tôi cũng từng ở trong phòng cả tuần để làm một dự án gấp, chỉ bước ra vào giờ ăn và khi cần đi vệ sinh. Tôi đã hầu như không nhìn thấy ánh mặt trời trong cả tuần ấy. Sau đó, tôi đã phải nghỉ trọn vẹn 2 ngày mới tìm lại được cảm giác sống. Từ trải nghiệm ấy, tôi đã hạn chế nhận những dự án quá gấp dù tiền lương cho những dự án ấy thường cao hơn mức thông thường.
Nếu bạn xác định theo đuổi con đường freelance lâu dài và nghiêm túc, hãy hiểu rõ giới hạn làm việc của bản thân. Bạn có thể chọn làm việc cật lực liên tục một thời gian rồi nghỉ ngơi một thời gian và vẫn cảm thấy ổn. Nhưng đây không phải một giải pháp lâu dài cho sức khỏe.
Thay vào đó, hãy lên kế hoạch sinh hoạt cá nhân, thời gian dành cho công việc, thời gian dành cho các mối quan hệ thật linh hoạt nhưng hợp lí. Bằng cách đó bạn vẫn có thể kiếm được số tiền mong muốn, đảm bảo sức khỏe, và duy trì được giao tiếp xã hội.
Tôi thường dành 2 – 3 buổi một tuần để gặp gỡ bạn bè và thỏa mãn những sở thích cá nhân như đi xem phim, nghe nhạc, đi bảo tàng hay đơn giản chỉ là mang một cuốn sách tới quán café yêu thích và ngồi đó cả buổi.
Hãy chuyên nghiệp như công ty hàng đầu trong ngành
Để tồn tại trong nghề khi làm việc đơn độc, bạn buộc phải chuyên nghiệp không kém (thậm chí phải hơn) bất kì một công ty nào. Hãy bắt đầu từ việc xây dựng một bản CV và hồ sơ năng lực thật chỉn chu để đưa đến những ấn tượng tốt cho khách hàng ngay từ những tiếp xúc đầu tiên.
Giao tiếp là một phần rất quan trọng khi cung cấp một dịch vụ. Hãy tưởng tượng bạn đang ở một nhà hàng sang trọng, thưởng thức những món ăn ngon tuyệt nhưng nhân viên giao tiếp cụt ngủn, không dùng kính ngữ khi nói chuyện với khách. Khi suy nghĩ đến việc quay lại đó lần nữa, thái độ của nhân viên có khiến bạn lăn tăn không?
Điều tương tự cũng áp dụng trong nghề freelance. Hãy giao tiếp với khách thật lịch sự, rõ ràng và nghiêm túc. Trong một số trường hợp, bạn có thể điều chỉnh lời lẽ theo phong cách nói của khách hàng để họ cảm thấy dễ giao tiếp hơn.
Sự chuyên nghiệp còn thể hiện ở việc tìm hiểu những yêu cầu của khách hàng và công việc thật cụ thể để có thể hoàn thành công việc tốt nhất. Nhưng quan trọng nhất vẫn là đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc. Khách hàng sẽ có thể bỏ qua những sai sót nhỏ của một người mới vào nghề nếu sản phẩm của bạn đạt được tiêu chuẩn họ mong đợi.
Làm sao để có khách hàng
Nguồn khách hàng đầu tiên và tiềm năng nhất của tôi tới từ những mối quan hệ bạn bè, quen biết và các mạng xã hội. Theo lý thuyết "Sau chặng phân cách" (6 degrees of separation) của Frigyes Karinthy thì hai người bất kì trên thế giới có thể được liên kết với nhau bằng tối đa 6 bước quan hệ kiểu "người quen của người quen".
Thế nên, những người quen biết, bạn bè, người thân hay chỉ là những người vô tình có kết nối trên mạng xã hội cũng có thể trở thành khách hàng hoặc cầu nối giữa bạn và khách hàng của bạn. Đây cũng là cách đơn giản nhất để tìm kiếm những công việc đầu tiên.
Kinh nghiệm của tôi là hãy để cho mọi người biết bạn đang cung cấp một dịch vụ này. Sẽ càng tốt nếu bạn có thể dùng một cách thật đặc biệt để mọi người phải nhớ tới bạn khi cần tìm một freelancer trong một lĩnh vực. Tôi thấy khá phản cảm với những kiểu quảng cáo quá khoa trương và dày đặc, nhưng cách gợi chuyện qua những mẩu chia sẻ những chuyện vui buồn khi làm việc lại để lại cho tôi ấn tượng khá lâu dài.
Hãy tận dụng những mạng xã hội như LinkedIn, Facebook, Instagram, Behance,… để tìm kiếm khách hàng. Tôi từng nhận được một công việc khá hậu hĩnh của một công ty công nghệ tại Mĩ trong dự án có liên quan đến Việt Nam của họ.
Một kênh việc làm gần như vô hạn khác là các sàn giao dịch việc trực tuyến dành cho những dự án thuê ngoài. Tùy vào hình thức hoạt động của sàn mà bạn có thể là người phải đi ứng tuyển các công việc hoặc người tuyển dụng sẽ là người chọn mua dịch vụ bạn đã bày sẵn. Một số trang nổi bật có thể kể đến là Upwork, vLance, PeoplePerHour, ProZ.com,…
Một lựa chọn khác đã mang lại cho tôi một khoản thu nhập thường xuyên là trở thành cộng tác viên cho các công ty. Khi là một cộng tác viên, bạn có thể nhận được lượng công việc khá đều đặn mỗi tháng và không cần lo lắng sẽ "đói" vì không tìm được việc, nhất là trong giai đoạn đầu bước chân vào thị trường freelance.
Không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực
Điều một freelancer cần có nhất là năng lực. Nếu không muốn "thịt nát xương tan", trước khi bước vào cuộc chinh chiến hãy trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng cần thiết trong ngành nghề của bạn. Ngay cả khi bạn chỉ là một người mới, khách hàng vẫn có quyền yêu cầu một mức năng lực nhất định từ bạn. Nên nhớ, trong nghề freelance, không có vị trí Thực tập sinh.
Nếu chưa tự tin về khả năng của mình, bạn có thể tham gia các khóa học miễn phí hoặc trả phí. Một cách vừa có lợi cho bạn vừa đóng góp cho cộng đồng là trở thành tình nguyện viên ở lĩnh vực của bạn cho các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận khi có cơ hội. Đây là môi trường bạn có thể được tiếp xúc với những chuyên gia trong ngành và làm đẹp thêm cho hồ sơ của mình.
Ngay cả khi đã có chỗ đứng và thu nhập ổn định, một freelancer cũng không có quyền lơ là rèn luyện. Thị trường freelance sẽ chỉ ngày càng trở nên khốc liệt hơn mà thôi nên những người không chịu khó cập nhật những kiến thức, xu hướng mới nhất trong ngành sẽ trở thành kẻ tụt hậu và bị đào thải.
Hãy đọc các tạp chí chuyên ngành, tham gia các diễn đàn và theo dõi những người đầu ngành để kịp thời bổ sung những gì mình còn thiếu. Trong nhiều trường hợp bạn còn cần bỏ tiền và thời gian để tham gia những khóa học cần thiết. Để trụ lại được trong một thị trường khốc liệt, đây là những khoản đầu tư xứng đáng.
Môi trường làm việc
Khi bắt đầu làm freelance, tôi nghĩ mình có thể chỉ cần ngồi tại nhà làm việc. Thế nhưng sau một khoảng thời gian, tôi không còn thấy hứng thú khi ngồi vào chiếc bàn làm việc quen thuộc trong căn phòng nhỏ của mình. Tôi có cảm tưởng những con chữ của mình bắt đầu lặp lại và nhàm chán như chính cái góc làm việc này vậy.
Tôi bắt đầu chuyển ra làm việc ngoài vườn nhà hay chuyển lên sân thượng những khi mát trời. Tôi mua thêm cây xanh trang trí và những đồ vật nhỏ trang trí quanh nhà. Đôi khi, tôi sẽ tới những quán café không quá ồn ào mà ngồi cắm máy ở đấy cả ngày. Những không gian làm việc chung Co-working cũng là một lựa chọn không tồi.
Khi không có những đồng nghiệp để thúc đẩy bạn làm việc như ở môi trường văn phòng, thay đổi không gian làm việc linh hoạt là một lựa chọn hợp lý để tạo ra những linh cảm làm việc mới. Đó cũng là cách khá hiệu quả để tránh cho bản thân cảm thấy nhàm chán khi làm việc một mình.
Có những ngày thời tiết không ủng hộ cho việc ra ngoài thay đổi không gian làm việc, tôi sử dụng những ứng dụng như Coffitivity để mô phỏng không gian một quán café ngay trong phòng. Một mẹo nhỏ khác nếu bạn muốn đến quán café hay một văn phòng chia sẻ làm việc là hãy mang theo đồ ăn hoặc chọn những nơi bạn có thể dễ dàng mua đồ ăn khi đói bụng.
|