Làm việc ở nước ngoài và những điều cần lưu ý
1.VÌ ĐỜI KHÔNG NHƯ LÀ MƠ
Kiểm tra kĩ càng những thông tin quan trọng như thủ tục visa, chính sách hỗ trợ thị thực của công ty, chế độ bảo hiểm, lương thưởng, chỗ ở,… không bao giờ là thừa đâu nhé. Những thủ tục này tuy nhàm chán, nhưng lại đóng vài trò vô cùng quan trọng đến thành bại của chuyến đi và việc phát triển sự nghiệp về sau. Đừng vì quá vui mừng mà ỷ y nhé!
2.“BIẾT NGƯỜI BIẾT TA, TRĂM TRẬN TRĂM THẮNG”
Làm việc ở một đất nước hoàn toàn xa lạ, bạn sẽ cần những hiểu biết nhất định về con người , văn hóa, xã hội và (đặc biệt) là giao thông. Bạn có biết ở Bungary, lắc đầu nghĩa là đồng ý và gật đầu nghĩa là từ chối? Hay ở Ấn Độ, việc bắt tay bằng tay trái thể hiện sự thiếu tôn trọng và bất lịch sự? Không chỉ văn hóa, như ví dụ ở Việt Nam chúng ta, điều làm những người đến làm việc và định cư đau đầu nhất lại chính là đường sá đông đúc, xe cộ chen chúc nhau ngùn ngụt mỗi giờ đi làm.
Hãy dành thời gian tìm hiểu những thông tin này để tránh những cú shock không cần thiết: hỏi thăm một vài người bạn, người thân có kinh nghiệm hoặc đang sinh sống ở đất nước đó, hoặc bạn cũng có thể hỏi trực tiếp nhân sự phụ trách liên hệ và hợp đồng với bạn, tin rằng họ sẽ vui vẻ giúp đỡ thôi.
3.THÍCH NGHI: Điều kiện cần và đủ
Sau hai yếu tố trên thì yếu tố thứ ba này cũng không kém phần quan trọng. Hãy tạm để sự phấn khích qua một bên (dù biết là rất khó!) để nhìn vấn đề thật bao quát và suy xét kĩ những khó khăn trước mắt: ngôn ngữ mới, chỗ ở mới, công việc mới, môi trường làm việc mới và bạn bè… cũng mới nốt.
Bạn sẽ thích nghi như thế nào với cuộc sống hoàn toàn mới mẻ này? Bạn có phải là người dễ thích nghi? Bạn có làm quen và bắt kịp với môi trường làm việc một cách nhanh chóng? Tuy vậy, cũng đừng quá lo lắng hoang mang mà nhụt chí nhé.
Hãy lấy ra một tờ giấy, cây bút và liệt kê tất cả những trở ngại mình có thể gặp phải, sau đó xếp vào 2 cột: “Có thể” và “Chưa thể”. Quá nhiều thứ ở cột “Chưa thể”? Không sao đâu, bạn hãy bình tĩnh xem xét từng vấn đề và tìm ra hướng thích nghi cụ thể. Nếu đã có sự chuẩn bị kĩ càng thì đâu có gì là không thể vượt qua được đúng không nào?
Thích nghi với môi trường làm việc mới
4.CHO NHỮNG AI VỪA CÓ CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN
Nếu đây là công việc đầu tiên sau khi ra trường, bạn hãy ghi nhớ và chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi đột ngột này: bạn sẽ không còn các kì nghỉ dài ngày, không thể tự do du lịch bất cứ khi nào mình muốn và có những ràng buộc nhất định với công việc.
Bên cạnh đó, bạn sẽ có hàng trăm thứ để băn khoăn: Khi nào mình mới được tăng lương? Bao lâu có thể thăng tiến? Có nên gắn bó với công ty lâu dài không? Mình có thật sự hợp với lĩnh vực này không?... Việc suy nghĩ kĩ về những bước đi tiếp theo rất nhiên là một chuyện hoàn toàn đúng đắn và nên làm, nhưng hãy khoan bắt tay vào mớ rối ren này trước khi trang bị cho mình những trải nghiệm về công việc, học cách yêu và làm quen với nó.
Hãy cho đi trước khi tính toán đến những gì mình sẽ nhận được từ công việc này, thay vì mải băn khoăn mà tự tạo áp lực cho bản thân.
5.VÀ CUỐI CÙNG: SOẠN HÀNH LÍ THÔI!
Những điều cần lưu ý khi đóng gói đồ đạc và hành lý đây, nhớ xem qua trước khi nhồi nhét tất cả các thứ mình có và cáu bẳn vì chỉ có hai chiếc va li nhé ;)
Kiên quyết từ biệt những bộ quần áo chưa sử dụng từ 3 tháng trở lên: trước sau gì bạn cũng thanh lý chúng thôi, đừng vì quyến luyến mà bỏ lại những thứ quan trọng khác ở nhà
Giày thể thao và quần áo ấm: Tùy vào mỗi nơi mà những vật dụng này sẽ cần thiết hoặc không, nhưng nếu cần bạn nhớ mang theo vì giá cả cho các mặt hàng này khá cao ở các nước cần dùng đến đấy
Quần áo đi làm: Nhớ là bạn sắp phải dùng đến chúng 8 tiếng/ ngày, 5 ngày/ tuần, đừng mải mê với quần áo đẹp mà quên mất nhé
Đồ dùng công nghệ cao: Đừng quên đồ sạc! Tốt nhất là bạn nên soạn theo bộ và sắp xếp ngay ngắn trước khi cho vào va li. Những vật dụng dùng điện khác cũng cần được cân nhắc kĩ càng vì một số nước sử dụng điện 110V, đồng nghĩa với việc trước sau gì bạn cũng phải mua cái mới thôi
Thực phẩm dữ trữ: Một vài gói mì tôm sẽ là cứu tinh của bạn trong những ngày đầu chưa quen thức ăn ở xứ lạ, nhưng cũng đừng mang nhiều quá nhé
|