banner
Tài khoản

Mật khẩu

Tìm kiếm | Quên mật khẩu?
Diễn đàn | Trang chủ | Đăng ký
icon icon
Bạn đang ở chuyên mục: THÔNG TIN VIỆC LÀM
Gửi lúc 11/12/2019, 03:22 PM
Chủ đề này đã có 442 lượt đọc và 0 bài trả lời
avatar
rank
Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
Cơ hội việc làm cho sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật?
Thông tin mua bán Liên Hệ:
 1. Hiện trạng thiếu định hướng của những sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật mới ra trường

Một thực trạng đối với sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ nói chung và sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật nói riêng, ấy chính là vấn đề thiếu định hướng nghề nghiệp khi ra trường.

Khác với những chuyên ngành được xác định nghề cụ thể như y, kỹ thuật, ngoại giao, kinh tế… thì ngành Ngoại ngữ ở ĐH có thể nói là ngành… đại trà, dành cho những người không biết sau này mình nên làm nghề gì. Các môn học trong khoa Ngoại ngữ ở các trường đại học thường nhắm đến những kỹ năng ứng dụng rất chung chung như nghe hiểu, đọc hiểu, viết và nói… Kết quả là đa số sinh viên sắp ra trường đều hết sức bối rối khi được trang bị công cụ làm việc là ngoại ngữ, nhưng không có chuyên môn cụ thể, không biết phải chọn ngành gì để theo đuổi và làm việc.

Hiện nay, Việt Nam đang trở thành một trong những môi trường đầu tư thu hút nhất trong mắt các doanh nghiệp Nhật Bản. Cụ thể, trong năm 2015, vốn FDI của Nhật Bản đã leo lên xếp thứ 3 trên tổng số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhu cầu đối với nhân lực tiếng Nhật tăng cao, sinh viên tiếng Nhật có nhiều cơ hội việc làm hơn hẳn những ngành khác như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… trong thời điểm này; nhưng với xuất thân là dân chuyên ngoại ngữ, họ vẫn không tránh khỏi khó khăn khi quyết định bước đi trong tương lai cho bản thân.

Công việc gì mà chỉ cần ngoại ngữ là có thể làm được? Quanh đi quẩn lại, họ chỉ có thể tìm thấy những công việc như biên phiên dịch, trợ lý, hướng dẫn viên du lịch, giáo viên tiếng nước ngoài… Nhưng liệu bó hẹp tiềm năng phát triển của bản thân trong vỏn vẹn ngần ấy ngành nghề có thực sự là nước đi đúng đắn?

Công việc phổ biến dành cho người giỏi tiếng Nhật http://hoahoctro.vn/tin-tuc/6-cong-viec-pho-bien-cho-nguoi-biet-tieng-nhat

2. Biết tiếng Nhật = Công việc chắc ăn?

Thời buổi mở cửa hội nhập kinh tế, ngoại ngữ luôn là kỹ năng thiết yếu. Nhưng xu hướng học ngoại ngữ thì chưa bao giờ ngừng thay đổi.

Có một thời, khi nước ta vẫn còn giữ quan hệ với Liên Xô, chưa chuyển sang nền kinh tế thị trường, tiếng Nga là thứ tiếng mà chỉ những sinh viên xuất sắc nhất mới dám theo học. Sau khi Liên Xô tan rã, sinh viên tiếng Nga trước đó rẽ sang học tiếng Anh, thì song ngữ Anh – Nga là yếu tố giúp sinh viên mới ra trường dễ dàng giành được một công việc đầu bảng với doanh nghiệp nước ngoài.

Khi Mỹ vượt lên trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong giao dịch buôn bán với nước ngoài, thì mọi người lại đổ xô đi học tiếng Anh. Cho đến nay, đa số sinh viên Việt Nam ra trường đều đã có khả năng giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh. Tấm bằng tiếng Anh một thời được các công ty đánh giá rất cao trong hồ sơ của người đi xin việc, giờ đã trở thành điều kiện tối thiểu nếu muốn có việc làm trong thời buổi này.

Và giờ đây, khi Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng nhân sự biết tiếng Nhật tăng cao, thì tiếng Nhật lại nối đuôi những ngôn ngữ đó để trở thành trào lưu ngoại ngữ mới được thế hệ trẻ đặc biệt quan tâm. Rất nhiều chuyên gia đã dự báo rằng nhân lực tiếng Nhật sẽ còn được các công ty săn đuổi trong vòng 5 năm tới. Nhưng đã bao giờ mọi người dừng lại để nghĩ: “Sau 5 năm đó, mình sẽ làm gì?”
Một sự thật ai cũng phải công nhận: miễn có tấm bằng tiếng Nhật, bạn đi đâu cũng không sợ thiếu việc làm. Song, giữa “kiếm được việc làm” với “kiếm được việc làm ổn định” còn cả một khoảng cách rất lớn đối với cử nhân chuyên ngành tiếng Nhật.

Những công việc như hướng dẫn viên du lịch hay dạy thêm tiếng Nhật thường mang tính thời vụ, rất ít ai cân nhắc nó như một nghề nghiệp để theo đuổi lâu dài. Nghề biên phiên dịch, vốn được cho là rất có giá trong tình hình nhân sự giỏi tiếng Nhật khan hiếm như hiện nay, cũng gặp phải không ít khó khăn. Tuy mức lương 400 – 600USD/tháng khá ổn với sinh viên mới ra trường, nhưng không ít người vẫn rơi vào tình trạng bấp bênh do không có chuyên môn cụ thể. Đa phần sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật ra trường chỉ có trình độ tiếng ở mức nhàng nhàng, đủ để giao tiếp; hiếm ai có kiến thức đủ sâu để theo đuổi công việc của một biên phiên dịch viên chuyên nghiệp. Trong khi đó, làm thông dịch đại trà trong một công ty Nhật không đem lại nhiều cơ hội để họ thực sự tham gia vào lĩnh vực cụ thể nào trong công ty. Có người nhờ dịch cái gì thì chạy tới dịch cái đó, ở đâu cũng nhúng tay chút ít nhưng không phụ trách chính lĩnh vực nào; điều này khiến những biên phiên dịch xuất thân từ chuyên ngành tiếng Nhật có cảm giác thật “nửa mùa”, chẳng khác gì đang nhảy việc ngay trong chính công ty mình vậy.

Bên cạnh đó, sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật còn phải đối mặt với mối lo cạnh tranh ngày một lớn, khi ngoài dân chuyên ngoại ngữ, cũng không hề thiếu những sinh viên đến từ các ngành học khác, có chuyên môn cụ thể hơn, lại được bổ túc thêm tiếng Nhật. Nếu tất cả những gì cử nhân tiếng Nhật có trong tay chỉ là khả năng ngôn ngữ, liệu họ có bám trụ nổi trên thị trường nhân sự tiếng Nhật trong 5 năm tới?

3. Chuyên ngành tiếng Nhật: Làm gì cũng được!

Tầm nhìn hướng nghiệp của sinh viên đang bị bó hẹp trong cái khuôn tri thức nền tảng. Đập vỡ chiếc khuôn đó rồi, các bạn sẽ lập tức nhận ra một điều, rằng triển vọng của sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật thực chất là vô hạn.

Thiếu hụt chuyên môn, thoạt nhìn thì có vẻ là một trở ngại lớn, nhưng cũng tương đương với việc lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên ngoại ngữ không bị giới hạn. Cùng với lợi thế vượt trội của họ so với rất nhiều ngành học khác là khả năng xin việc dễ dàng và nhanh chóng, cử nhân chuyên ngành tiếng Nhật ra trường có thể theo đuổi bất cứ công việc nào. Từ du lịch, khách sạn, nhà hàng, tổ chức sự kiện đến marketing, IT, nhân sự, quản trị, thậm chí hàng không… nghề nào cũng có chỗ dành cho người sở hữu tấm bằng tiếng Nhật. Họ không phải đối mặt với những nỗi lo như ra trường khó xin được việc hay cạnh tranh gay gắt do hiện tại tiếng Nhật chưa quá phổ biến và nhu cầu đối với nhân sự thành thạo loại ngôn ngữ này vẫn rất cao.

Từ xuất phát điểm là không có kiến thức nghề gì cụ thể, sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật sẽ có cơ hội trải nghiệm dần dần, xác định được thế mạnh cũng như điểm yếu của mình, tìm ra hướng đi rõ ràng để theo đuổi lâu dài. Biết được mình muốn gì rồi, các bạn có thể tập trung đào sâu vào chuyên môn mình thích để khắc phục thiếu sót trong kiến thức, hướng đến tương lai nghề nghiệp ổn định. Chưa được học? Bây giờ hãy bắt đầu học. Luôn nhớ rằng, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu học một cái gì đó. Chuyên môn không phải là thứ chỉ tiếp thu được lúc còn trẻ, đang ngồi trên ghế nhà trường, mà còn có thể tích lũy dần dần thông qua thực hành.

Thực tế, các công ty Nhật coi trọng kinh nghiệm làm việc của nhân viên hơn hẳn tấm bằng đại học hay bất cứ thứ chứng chỉ nào, bởi thuộc nằm lòng lý thuyết chưa bao giờ đồng nghĩa với hiệu quả làm việc thực tế tốt. Mọi người vẫn ngộ nhận rằng làm việc cho công ty Nhật thì nghiễm nhiên mức lương sẽ cao; nhưng thực tế lại cho thấy mức lương trong các công ty Nhật Bản có sự phân biệt rõ ràng phụ thuộc vào vị trí và kinh nghiệm thực tế của nhân viên. Xin vào vị trí nhân viên tổng vụ kiêm biên phiên dịch không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, lương chỉ ở mức 400 – 700USD/tháng; nhưng những người già dặn kinh nghiệm được nhận vào vị trí quản lý có thể mang về mỗi tháng 2000USD. Đặc biệt, đối với nhân viên mới ít kinh nghiệm, nền tảng bằng cấp không quan trọng, bởi luôn có chế độ đào tạo nghiệp vụ lại từ đầu trong các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chứng tỏ sinh viên chỉ cần đào sâu kiến thức, thu về nhiều kinh nghiệm, thì một công việc ổn định với mức lương hậu hĩnh cũng sẽ không còn là viễn tưởng. Bằng chứng là hiện tại, rất nhiều vị trí quan trọng trong các công ty Nhật Bản như quản lý, giám đốc hành chính, nhân sự… đều do cựu sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật nắm giữ. Điều quan trọng nhất vẫn là quyết tâm học hỏi và sự tận tụy đối với nghề mình theo đuổi – đó là bài học không chỉ dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật mà cả những sinh viên sắp ra trường và đang tìm kiếm một công việc cho bản thân trong thời điểm hiện nay.

Nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/
icon icon
Trả lời nhanh
Tùy chọn
Back to top icon Trang chủ | Hướng dẫn | Quy định | Báo giá Quảng cáo | Hướng dẫn Thanh toán | Liên hệ
Email: info@TranPhong.com.vn
Xem tốt nhất trên trình duyệt Firefox hoặc IE với độ phân giải 1024x768 px
Add: Số 131 Quy Lưu - TP.Phủ Lý - Hà Nam. Tel: 0351 3 828 357 - Fax : 0351  3 828 357 - Mobile: 0987 113 911
Copyright © 2011 Cao đẳng thuỷ lợi bắc bộ. Thiết kế và phát triển bởi Trần Phong