4 điều cần lưu ý trong quản trị công ty đa văn hóa
Chia sẻ trên tờ Fastcompany, chuyên gia tư vấn David Livermore - nhà sáng lập Cultural Intelligence Center, một trung tâm tư vấn quản trị đa văn hóa, tác giả quyển Driven by Difference: How Great Companies Fuel Innovation through Diversity (tạm dịch: Phát triển nhờ Khác biệt: Cách những công ty lớn nuôi dưỡng sáng tạo thông qua đa dạng hóa), cho biết các doanh nghiệp cần lưu ý 4 điểm sau trong quá trình vận hành chiến lược quản trị đa văn hóa tại công ty.
Tránh định kiến
Theo Livermore, giữa ý thức về khác biệt văn hóa và định kiến có một ranh giới rất mong manh. Nhận thức được những đặc điểm phổ biến của một nền văn hóa là điều tốt, nhưng nếu bám chặt vào những đặc điểm chung này có thể dẫn người quản lý đến sự định kiến ngầm.
Cấp quản lý cần mở rộng tư duy để hiểu thêm về nhu cầu làm việc, giao tiếp giữa các thành viên trong đội ngũ, từ đó giúp họ giải tỏa những mâu thuẫn, hiểu nhầm nếu có.
"Connect, Don't Correct"
(Kết nối, đừng sửa lỗi).
Chuyên gia quản trị đa văn hóa Tameka Williamson
Diễn dịch
Khi tìm hiểu về các thành viên trong nhóm, theo Livermore, phong cách giao tiếp là điều quan trọng bạn cần hiểu rõ. Một vài quốc gia có đặc trưng nói thẳng, ngắn, gọn trong khi các quốc gia khác lại có xu hướng trình bày đầu đuôi rõ ràng.
Khi bạn hiểu được những khác biệt nền tảng này, bạn sẽ cần chia sẻ để các thành viên trong nhóm cùng nhận thức ra sự khác biệt này, và dần điều chỉnh bản thân để tương thích với môi trường chung.
Thời gian chuẩn bị
Khi mọi người không thoải mái với một tình huống nhất định, hoặc giả họ đang phải dùng một ngôn ngữ thứ hai để trình bày quan điểm trong cuộc họp, họ có thể không muốn tham gia cuộc họp đó.
Nếu người lãnh đạo không hiểu được tâm lý này, mà vẫn cố thúc ép họ nhanh chóng đưa ra ý kiến, hoặc hướng sự chú ý của cả phòng họp về phía cá nhân này, thì tình huống sẽ trở nên tệ hơn rất nhiều.
Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, người lãnh đạo cần truyền thông rõ với đội ngũ về những mong đợi của mình với nhân viên và cho phép nhân viên có thời gian chuẩn bị và phản hồi khi họ đang gặp căng thẳng.
Quan sát tương tác giữa các nhân viên
"Là một người Đức làm việc tại Mỹ, tôi biết sẽ có nhiều khác biệt và tôi sẽ gặp khó khăn trong tương tác công việc với đồng nghiệp.
Vài người có thể tiếp cận quá thân mật hoặc thậm chí là sỗ sàng và tôi sẽ có thể không thích điều đó. Hoặc, đôi khi từ ngữ có nhiều ý nghĩa khác biệt, nên có thể dẫn đến hiểu nhầm ý nhau", Livermore nói.
Vì vậy, ở vị trí lãnh đạo nhóm, bạn cần quan sát để phát hiện và can thiệp sớm với những dấu hiệu cho thấy sự hiểu nhầm trong truyền thông có thể tạo ra mâu thuẫn giữa các thành viên. Sự đồng cảm với từng thành viên trong nhóm là yếu tố quan trọng để không làm tình huống căng thẳng leo thang.
|