Thực tập sinh được tuyển dụng thường làm công việc gì?
Tuyển dụng là một nghề nghiệp thú vị, phù hợp với những ai yêu thích giao tiếp, có đam mê trong việc nhìn nhận và phát triển con người.
Ngày nay có khá nhiều bạn trẻ nhận ra đam mê của mình trong lĩnh vực tuyển dụng. Tuy nhiên các bạn lại khá lúng túng khi chưa biết mình cần bắt đầu học hỏi như thế nào. Trong thực tế, cách bắt đầu tốt nhất là ứng tuyển vào các vị trí thực tập sinh tuyển dụng. Đây là cơ hội tốt để các bạn vừa được học hỏi, vừa được thực hành trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Hãy cùng Glints tìm hiểu về công việc của một người Thực tập sinh tuyển dụng và làm thế nào để tận dụng tốt cơ hội này bạn nhé!
Công việc của một Thực tập sinh tuyển dụng
Bảng mô tả công việc của một Thực tập sinh tuyển dụng ở mỗi công ty khá khác nhau, tuy nhiên hầu hết các bạn sẽ hỗ trợ phòng Nhân sự các công việc sau:
Viết và đăng tin tuyển dụng trên các trang web, mạng xã hội.
Lọc hồ sơ ứng viên.
Liên lạc ứng viên, đặt lịch phỏng vấn.
Tham gia phỏng vấn và ghi chú.
Hoàn tất các giấy tờ hành chính cho việc tuyển dụng.
Giải thích chính sách của công ty cho ứng viên.
Tuy nhiệm vụ chính của Thực tập sinh hầu như dừng lại ở mức hỗ trợ, nhưng chỉ cần chủ động tìm tòi, dấn thân, bạn sẽ tự tạo cho mình nhiều cơ hội để học hỏi. Vì thế đừng ngại ghi nhớ những mẹo sau để rèn luyện kỹ năng và chuyên môn tuyển dụng của mình nhé.
Luyện kỹ năng sàng lọc ứng viên qua hồ sơ
Khi công ty có càng nhiều hồ sơ ứng viên, bạn càng có thêm cơ hội để luyện khả năng sàng lọc hồ sơ của mình. Hãy tập đọc nhanh các CV/resume này và chọn ra những hồ sơ sáng giá nhất cho mỗi vị trí công việc.
Sau đó bạn kiểm tra kết quả với cấp trên của mình, chủ động hỏi bí quyết lọc hồ sơ của các anh chị, hoặc nhờ các anh chị chỉ ra chỗ sai của mình. Nhờ đó, bạn tìm ra cách để đọc nhanh hồ sơ, và cách để xác định được ưu – khuyết điểm của mỗi ứng viên cho từng vị trí công việc khác nhau.
Học về quy trình và kỹ năng phỏng vấn
Thông thường, một thực tập sinh sẽ không được phỏng vấn ứng viên, vì bạn chưa đáp ứng về kinh nghiệm, kỹ năng,….Tuy nhiên, hãy xin phép quản lý cho mình tham gia với tư cách ghi chép hoặc dự thính các buổi phỏng vấn. Nhờ đó bạn học được các kỹ năng phỏng vấn như: đặt câu hỏi, quan sát ứng viên, phản hồi ứng viên…
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ hiểu rõ một quy trình phỏng vấn chuyên nghiệp sẽ diễn ra như thế nào, từ đó có thể áp dụng cho những công việc sau này của mình.
Luyện kỹ năng thỏa thuận lương và đàm phán các điều khoản lợi ích của công việc
Một trong những thử thách lớn của người làm nghề tuyển dụng là thuyết phục được ứng viên chấp nhận offer với mức lương và lợi ích không như kỳ vọng ban đầu của họ. Điều này vẫn thường xảy ra khi quỹ lương và chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp không dễ thay đổi, nhất là khi doanh nghiệp mới thành lập hoặc nhỏ nhưng lại muốn thu hút được nhân tài từ những doanh nghiệp lớn hơn.
Hãy chú ý cách thương lượng mức lương, cách đàm phán các điều khoản đãi ngộ và làm thế nào mà các anh chị trong phòng tuyển dụng thuyết phục được các ứng viên của mình. Bạn có thể quan sát những điều này qua email của họ với ứng viên, hoặc ngay trong buổi phỏng vấn. Bằng cách ghi nhớ các kỹ thuật đàm phán, thuyết phục này bạn sẽ hoàn thiện hơn kỹ năng tuyển dụng của mình.
|