- Đánh giá vấn đề
Trước khi định nói, hãy cân nhắc những ưu điểm, hạn chế của
vấn đề rắc rối đang gặp. Bạn cũng nên suy nghĩ xem bạn hiểu thế nào về mọi người, bạn đã làm gì để giúp tháo gỡ tình hình, và phản ứng bạn mong đợi từ người khác?...
Hãy chắc chắn rằng, bạn hiểu rõ vấn đề trước khi bắt đầu thảo luận, hiểu rõ những vướng mắc và nguyên nhân xuất phát từ đâu. Nếu có thể, cố gắng đưa ra giải pháp để khi thảo luận, mọi người cảm thấy yên tâm hơn một chút vì tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Nếu mọi người có những phản ứng gay gắt, trái chiều, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần để đón nhận và tự đánh giá xem lỗi của mình đến đâu.
- Lịch sự
Từ giọng điệu, cử chỉ đều có thể cho thấy sự giận dữ, bực bội hay khó chịu của bạn. Tốt nhất là
đừng thể hiện cảm xúc ra bên ngoài và hãy cố gắng chọn cách giải quyết nhẹ nhàng nhất thay vì chỉ trích, buộc tội. Chẳng hạn, nếu một đồng nghiệp của bạn mở nhạc quá to trong giờ làm việc, thay vì quát tháo, to tiếng, bạn nên giữ cách nói lịch sự, nhã nhặn: "Tôi đang trong thời gian giải quyết khó khăn của dự án và cần có sự tập trung cao độ. Bạn chịu khó mở nhỏ nhạc giúp tôi mấy hôm nhé".
Lời chỉ trích, châm biếm của bạn sẽ chỉ khiến cho cuộc trò chuyện xấu đi. Nếu bạn cảm thấy quá thất vọng và mệt mỏi, tốt hơn hết là hãy ra khỏi văn phòng, cùng ngồi lại trò chuyện khi đã ổn định lại tinh thần.
- Nghĩ kỹ trước khi nói
Bạn bực bội vì những lỗi đồng nghiệp mắc phải, những hậu quả công ty phải gánh chịu mà bạn sẽ là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Thế nhưng, trong lúc nóng nảy và giận dữ, có thể bạn sẽ có những lời nói khó nghe, ảnh hưởng đến bạn về sau. Vì thế, trước khi đưa ra phản ứng, bạn nên cho mình một chút thời gian để bình tĩnh và suy nghĩ kỹ trước khi thảo luận.
- Chọn thời gian và địa điểm
Trừ trường hợp khẩn cấp, bắt buộc phải triệu tập mọi người, bạn nên tránh những địa điểm hoặc thời gian khiến mọi người dễ bị phân tâm khi nói về vướng mắc trong công việc. Nếu phải thông báo với sếp một tin xấu trong công việc, hãy để sếp kịp mở email buổi sáng và có đủ thời gian cần thiết để bắt kịp nhịp độ công việc mỗi ngày trước đã. Đừng đưa ngay tin xấu vào buổi sáng sớm, khi sếp vừa mở cửa vào công ty hoặc thông báo tin ngay ngày làm việc đầu tuần.
- Cố gắng thỏa thuận
Không có gì là không thể giải quyết, vì thế, đừng kết thúc cuộc trò chuyện trong căng thẳng khi thấy vẫn còn có thể cứu vãn được. Hãy cố gắng hiểu nhau để đi đến sự thỏa hiệp. Ví dụ như việc mở nhạc quá to, giải pháp có thể đưa ra là đồng nghiệp của bạn tạm thời dùng tai nghe một thời gian.
Trong hầu hết mọi trường hợp, hãy cố gắng giữ hòa khí, đón nhận suy nghĩ của mọi người để thống nhất một phương án chung. Luôn lắng nghe và tôn trọng quan điểm của người khác để chuẩn bị cho một cuộc đàm phán thành công.