Ứng xử khôn ngoan trong môi trường công sở cạnh tranh
Ai cũng muốn sự nghiệp của mình được hanh thông hoàn toàn dựa vào năng lực, trình độ thật, song điều đó thật ngây thơ. Ngay cả những nhân viên đáng khen ngợi nhất cũng cần biết ứng xử khôn ngoan trước các chiêu trò cạnh tranh nơi công sở
Biện pháp phòng thủ
Hãy lên danh sách tất cả những người ở công sở có thể giúp đỡ hay gây khó khăn cho bạn. Với từng người, hãy tự hỏi mình, điều gì sẽ giúp bạn trở nên đáng mến hơn với họ: Giúp họ xinh đẹp hơn? Giúp đỡ để công việc của họ tốt hơn? Giúp họ thăng tiến? Nghe họ phàn nàn? Nói chuyện về chủ đề họ thích? Giúp họ giải quyết những rắc rối riêng? Tán tỉnh họ?...
Nếu bạn chưa có đủ cách thức tiếp cận họ, hãy tự hỏi mình làm thế nào để bạn có thể tạo dựng mối quan hệ tốt hơn. Chẳng hạn: Hãy yêu cầu được tham gia cùng dự án với họ. Bạn có thể nói, “Tôi nghe mọi người khen ngợi anh/chị là người cộng sự rất tuyệt vời. Nếu khi nào anh/chị cần thêm người giúp đỡ cho dự án, tôi sẽ rất vui nếu được tham gia cùng anh/chị”.
Hãy lưu tâm tới thời điểm và nơi chốn họ thường ăn trưa hoặc lang thang trong giờ nghỉ và sắp xếp để xuất hiện gần họ những lúc ấy.
Mời họ đi ăn trưa, chơi bóng với nhau, đi mua sắm hay dự tiệc cùng, v.v...
Trong các sự kiện của công ty như các cuộc họp tập thể dành cho tất cả nhân viên, bạn hãy chuẩn bị một câu chuyện mào đầu sau khi chào họ. Chẳng hạn, bạn có thể nói, “Tôi nghe nói anh/chị vừa có một dự án rất thành công về việc ABC nào đó. Nó hay đấy. Anh/chị có thể cho tôi biết thêm thông tin về nó không?”
Bạn cũng có thể “phỏng vấn” họ về một bài báo đăng trong trang tin của công ty, mạng nội bộ hay một ấn phẩm thương mại nào đó.
Giải pháp đương đầu
Cũng có khi tất cả những động thái đầy thiện chí và không hề ngẫu nhiên vừa nói trên của bạn vẫn không đủ hiệu quả. Một người nào đó vẫn muốn đánh bật bạn khỏi những cơ hội thăng tiến.
An toàn nhất là thoạt đầu bạn nên tỏ thái độ hòa nhã, mặc dù đôi khi, đi thẳng vào vấn đề cốt lõi sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho bạn, kiểu như sẽ xuất hiện tiếng đồn, “Đừng có chơi với A!” (là bạn đấy). Và đây là một vài phản ứng có hiệu quả để bạn tham khảo:
1. Không làm gì cả. Đôi khi, đương đầu với một người hoặc tới gặp sếp sẽ gây nhiều tổn hại cho bạn hơn là mang lại lợi ích. Cũng đôi khi, quy kết của bạn về sự chọc phá của họ là sai. Bạn cần phải xác minh lại sự thật. Biết đâu những lời dèm pha về bạn là chính xác? Hãy tự xét mình hoặc tham khảo thêm ý kiến đánh giá từ những đồng nghiệp tin cậy khác.
2. Hãy đặt câu hỏi với “kẻ chơi xấu”: “B này, tôi nghe nói cậu đã không chịu chia sẻ thông tin tôi cần. Điều đó có đúng không?” Bất kể chuyện này đúng hay không thì có lẽ anh/chị ta sẽ phủ nhận. Tuy nhiên, đừng dồn ép họ. Thông điệp ngầm của bạn ở đây là, “Nếu anh/chị còn tái diễn trò đó nữa thì …liệu đấy”.
3. Đưa ra lời cảnh báo: “B này, cậu đã nói với sếp rằng ý tưởng của tôi là ý tưởng của cậu phải không? Tôi biết cậu muốn hất cẳng tôi khỏi vị trí đó, nhưng nếu cậu còn tiếp tục chơi xấu tôi, tôi sẽ tới gặp sếp và chắc chắn là cậu sẽ không được giao phần việc béo bở đó nữa đâu, bất kể thế nào”.
4. Thực hiện hình phạt đã nói. Nếu bạn đã đưa ra lời cảnh báo mà đối phương vẫn tiếp tục phớt lờ, hãy hiện thực hóa nó. Chẳng hạn, nếu bạn dọa sẽ báo sếp, hãy làm như vậy. Lời phàn nàn của bạn sẽ có sức nặng hơn nếu một đồng nghiệp khác cũng có những động thái gây hấn tương tự với kẻ mà bạn đang áp dụng hình phạt như đã nói.
Nếu biết áp dụng các chiêu thức phòng ngự nơi công sở, có thể bạn sẽ rất hiếm khi cần “xù lông xù cánh” chứ đừng nói tới chuyện phải căng thẳng hơn. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu bạn cứ luôn phải tỏ ra là người “chơi đẹp” trong các trò “đấu đá” công sở. Có một nguyên tắc rất đúng, “hãy kết hợp cương nhu hợp lý”. Điều đó sẽ không tốn của bạn quá nhiều công sức và sẽ giúp bạn được đánh giá công bằng hơn về sự xuất sắc của mình.
|