Thành viên cấp cao
Tham gia: 02:40, 13/05/2013
Bài gửi: 3188
Được cảm ơn: 0 lần
|
Giáo dục tư duy phản biện cho học sinh
Tại Việt Nam, việc giáo dục ở nhà trường hầu như chỉ chú trọng truyền giảng kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy khả năng phản biện cho học sinh.
Có học lực khá nhưng em D. (học sinh lớp 9, Trường THCS Hoàng Diệu, quận Thanh Khê) cho biết, ngoài việc chăm chú lắng nghe bài giảng, em chỉ tham gia phát biểu ý kiến khi được thầy cô hỏi.
“Tụi em chủ yếu nghe và hiểu lời thầy cô; còn để nói lên suy nghĩ, chính kiến của mình thì rất ít. Hơn nữa, em nói ra lỡ bị sai thì “quê” lắm, dù thầy cô cũng có khuyến khích tụi em phát biểu nhiều hơn”, D. chia sẻ và cho biết, thực tế em và các bạn rất thích được thảo luận, phát biểu bài, bởi như vậy sẽ hiểu bài lâu và sâu hơn.
Em Trần Phan Kim Ngọc (học sinh lớp 11/12 Trường THPT Trần Phú) lại chọn cách học nhóm để trau dồi sự tự tin phản biện. “Việc học cùng nhóm bạn giúp em rất nhiều trong tư duy, khả năng suy nghĩ và nói trước đám đông. Trong nhóm, em có thể thoải mái đưa ra ý kiến và được các bạn góp ý”, Ngọc nói.
Là một trong những giáo viên dạy Văn lâu năm, thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Trường THPT Trần Phú cho biết, thực tế thời gian giảng dạy ở trên lớp không nhiều trong khi khối lượng kiến thức lớn nên thầy cô chủ yếu dạy theo lối truyền thụ kiến thức từ giáo án soạn sẵn.
Tuy nhiên, nếu giáo viên không bổ sung kiến thức thường xuyên thì những nội dung trong giáo án sẽ bị vênh với thực tế.
“Trong một số giờ Tiếng Việt và làm văn mà nội dung cho phép lồng ghép thì tôi sẽ lồng ghép để các em có thể nêu lên suy nghĩ, phản biện vấn đề thẩm mỹ, đạo đức, bạo lực gia đình… Tôi thấy các em có suy nghĩ rất hay chứ không đơn giản.
Chẳng hạn, riêng về nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều (Nguyễn Du), các em đã có nhiều ý kiến khác nhau, thể hiện cách nhìn, quan điểm trái chiều”, thầy Hòa chia sẻ.
Theo thầy Hòa, cách đánh giá, thi cử hiện nay cần được xem xét lại theo hướng khuyến khích khả năng sáng tạo, phát triển tư duy cho học sinh thay vì rập khuôn máy móc.
Trong khi đó, PGS. TS Võ Văn Minh, Hiệu phó Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, tư duy phản biện là kỹ năng rất quan trọng. Phản biện không phải là “cãi” lại người khác mà là khả năng suy nghĩ và tư duy đa chiều, xem xét mọi khía cạnh để tìm ra chân lý.
Sự phản biện giúp vượt ra khỏi cách suy nghĩ theo khuôn mẫu, thói quen có sẵn, hướng đến cái mới, đưa ra nhiều phương án khác nhau và lựa chọn phương án tối ưu với những lập luận có cơ sở vững chắc đối với một vấn đề.
Ở nước ngoài, giáo viên thường cho học sinh chuẩn bị bài để đến lớp thảo luận sôi nổi và giáo viên sẽ định hướng, kết luận vào cuối buổi học. Cũng theo thầy Minh, trong thời đại bùng nổ thông tin, với khối lượng tri thức khổng lồ thì việc rèn cho học sinh cách chọn lọc, suy xét, hiểu và ứng dụng kiến thức này vào thực tế là điều cần làm.
Cái khó ở đây là do lâu nay các em đã quen với tư duy một chiều, thụ động qua các cấp học. Ngoài ra, người thầy do muốn đủ thời gian cho bài dạy trong khuôn khổ 1 tiết học nên ít chịu mở rộng và chưa khuyến khích học sinh tìm tòi, phát triển vấn đề ngoài bài học.
Do vậy, hễ có học sinh nào nói khác, nói vượt ra ngoài bài giảng là bị thầy “chỉnh”, từ đó thui chột ý muốn phản biện của các em. Phương pháp đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay chú trọng cách dạy học tích cực, phát triển năng lực cho học sinh, lấy học sinh làm trung tâm để tư duy phản biện của các em có cơ hội được thể hiện, từ đó phát huy khả năng nghiên cứu, học hỏi và sáng tạo.
|