Bí quyết ứng tuyển thành công ngành Marketing
1. Lý do bạn không thể có được công việc Marketing như mình muốn
Năng lực chuyên môn không phù hợp với vị trí mà bạn ứng tuyển
Đừng ứng tuyển các vị trí Quản lý, Giám đốc và Phó Chủ tịch khi bạn chỉ mới là sinh năm nhất hoặc năm hai đại học và không có nhiều kinh nghiệm. Mặc dù bạn nghĩ bản thân có khả năng làm công việc đó, nhưng sự thật là bạn chưa đủ kinh nghiệm để làm tròn trách nhiệm các vị trí đó.
Khi tốt nghiệp đại học, bạn nghĩ rằng mình đã biết hết mọi thứ về Marketing. Bạn cũng có quan sát và nhận thấy các công ty bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội ngoài kia và tự tin bản thân có thể nhìn xa trông rộng, xứng đáng với vị trí cấp cao. Nhưng sau đó những gì bạn nhận ra là, ngoài ý tưởng sáng tạo, việc có thể biến chúng thành hiện thực hay không mới là điều quan trọng.
Vai trò của công việc Quản lý, Giám đốc hoặc Phó Chủ tịch trong một công ty không đơn thuần là bạn phải đưa ra ý tưởng hay mà bạn còn cần vượt ra ngoài vị trí của một người làm Marketing, đó là bạn đang ở tư cách là một nhà lãnh đạo.
Nếu bạn vào nghề từ sớm, bạn sẽ có tư duy Marketing tốt. Nhưng ở vị trí cao, bên cạnh việc suy nghĩ các chiến lược Marketing, bạn cần phải học cách đối phó với vấn đề chính trị trong tổ chức, cách quản lý và thúc đẩy hiệu quả làm việc của nhân viên.
Mặt khác, khi bạn bước chân vào môi trường doanh nghiệp, bạn sẽ không muốn giữ vai trò cấp cao bởi vì có khi bạn sẽ thích làm việc hơn là “đau đầu” quản lý mọi quy trình. Có rất nhiều người làm vị trí Marketing rất giỏi đã từ chối lên chức chỉ vì họ không thích quản lý người khác. Sự thật là bạn không cần phải có một chức vụ cao để có được sự tông trọng nhất định, bạn chỉ cần làm tốt công việc thì những nỗ lực của bạn sẽ được công nhận.
Không có khái niệm rõ ràng về vị trí mình ứng tuyển
Khi ứng tuyển, bạn cần nắm rõ vị trí của mình có những yêu cầu nào, có phù hợp với sở trường và kỹ năng của mình không, và đó sẽ là thứ người tuyển dụng quan tâm hàng đầu khi đó là lần đầu bạn ứng tuyển. Họ có thể hỏi những điều như tại sao bạn nghĩ bản thân là người phù hợp với vị trí đó, bạn thích gì khi làm việc cho công ty của họ, hoặc kinh nghiệm trong quá khứ của bạn giúp gì được cho họ. Nếu bạn không có khái niệm rõ ràng về công việc mình ứng tuyển và không trả lời phỏng vấn tốt, bạn đừng hy vọng mình sẽ có được vị trí đó.
Đừng nhắm mắt nộp đơn ứng tuyển mọi vị trí liên quan đến Marketing. Đúng là bạn sẽ có rất nhiều cơ hội, nhưng có khả năng bạn sẽ không còn cảm thấy hứng thú khi bắt tay vô làm. Hãy dành thời gian suy nghĩ xem nếu bạn ứng tuyển thành công vị trí đó, liệu bạn có thích làm công việc đó ngày này qua ngày khác không.
Không chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình phỏng vấn
Việc này khiến bạn gây ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng vì bạn đang lãng phí thời gian của mọi người. Họ thà nhận thấy tuy bạn không có kinh nghiệm nhưng vẫn sẵn sàng học hỏi, nhất là khi nghe bạn phân tích một bài đăng trên blog mà bạn vừa đọc trước buổi phỏng vấn. Còn nếu bạn ứng tuyển vị trí Content Writer mà chưa có kinh nghiệm, bạn có thể trình bày kế hoạch sắp tới cho công ty, chỉ ra điểm họ làm không tốt và cách để cải thiện nó; hoặc đơn giản hơn hãy chia sẻ về công việc trước đây mà bạn chịu trách nhiệm.
Nó thật sự khác khi bạn nói bạn hiểu về Marketing và có thể chứng tỏ điều đó bằng những ví dụ cụ thể từ những gì bạn học được.
sai lầm khi phỏng vấn ứng tuyển ngành Marketing
2. Bí quyết để bạn ứng tuyển công việc Marketing thành công
Tìm hiểu kỹ vị trí mà bạn muốn ứng tuyển
Đây là điều quan trọng nhất bạn cần làm trước khi đi xin việc. Điều này có thể gây khó khăn cho người làm Marketing vì họ thường thích rất nhiều khía cạnh của Marketing và không thật sự biết bản thân muốn làm ở vị trí nào.
Nếu bạn hiện đã có sẵn công việc, hãy thử làm cách này: lấy ra một tờ giấy, gấp lại một nửa và viết mọi thứ bạn thích về công việc hiện tại vào cột bên phải, còn ở cột bên trái, hãy viết ra tất cả những gì bạn không thích (nhớ viết càng chi tiết càng tốt). Sau đó hãy tìm các tin tuyển dụng có liệt kê các trách nhiệm công việc khớp với những điều bạn thích. Hãy cố gắng chỉ áp dụng cho công việc có phần lớn trách nhiệm mà bạn sẽ thích làm.
Nếu bạn chỉ mới bắt đầu đi làm, thật khó để biết chính xác loại công việc nào sẽ phù hợp cho bạn. Lời khuyên tốt nhất là hãy chỉ làm vị trí Marketing mà bạn nghĩ rằng bạn thích, và sau đó bạn sẽ tìm hiểu những yếu tố bạn thích và không thích về công việc đó. Mọi người phải bắt đầu từ đâu đó mặc dù có thể không biết con đường đó dẫn họ đi đến đâu.
Rèn luyện kĩ năng mà vị trí của bạn yêu cầu
Nếu bạn đã có việc nhưng mong muốn tìm kiếm một công việc khác
Khi bạn đã xác định được mục tiêu mong muốn tiếp theo của mình là gì, hãy tìm hiểu những kỹ năng mà bạn thiếu trong công việc hiện tại, sau đó trao đổi thêm với người quản lý của bạn về việc chuyển hướng sang lĩnh vực khác.
Ví dụ nếu bạn đang làm khía cạnh phương tiện truyền thông mà muốn chuyển sang vị trí email marketing, hãy hỏi người phụ trách công việc đó (hoặc người quản lý của bạn) về những việc họ làm và hỏi ý kiến liệu bạn có thể bắt đầu vị trí đó từ những công việc đơn giản hơn không.
Nếu bạn muốn làm thêm một việc khác ngoài công việc chính ở công ty
Nếu bạn không cảm thấy hứng thú với những điều bạn học được trong công ty hiện tại, bạn có thể dễ dàng sắp xếp thời gian để trở thành một freelancer ở công ty khác với công việc bạn thực sự thích. Nhưng chúng tôi không khuyến khích bạn bỏ công việc hiện tại để gắn với vị trí freelancer. Bởi vì freelancer chỉ là một cách để bạn tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực mình hứng thú để sau này bạn có cơ hội chuyển hướng hoàn toàn sang công việc đó.
Nhưng nếu bạn không có kinh nghiệm?
Vậy hãy làm những việc nhỏ chứ đừng vội vàng làm những công việc “đao to búa lớn” như quản lý email marketing cho Airbnb. Bạn nên bắt đầu từ các công việc đơn giản như quản lý một số chiến dịch Mailchimp cho SMB. Cũng có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ đang tìm kiếm ứng viên, bạn có thể lựa chọn làm việc ở đó để tích luỹ kinh nghiệm càng nhiều càng tốt. Hãy nhớ rằng, đừng quan trọng lương bổng, vì đó sẽ là cơ hội giúp bạn ứng tuyển thành công vị trí tương tự ở những công ty bạn mong muốn.
Một lựa chọn khác là học việc từ những người mà bạn tôn trọng. Mặc dù nghe có vẻ phi lý khi làm việc cho ai đó miễn phí hoặc với mức lương thấp, nhưng bạn có thể học được nhiều gấp 5 đến 10 lần hơn là việc cố gắng tự tìm tòi một mình.
Nếu như bạn mới chập chững ra đời tìm việc
Nếu bạn chỉ mới bắt đầu vào nghề, bạn nên làm việc với một người đã từng trải về Marketing, hoặc với một nhóm Marketing mà bạn nghĩ mình có thể học hỏi nhiều ở họ. Làm việc ở một công ty lớn ngay khi học đại học là một hướng đi tốt bởi vì các công ty lớn sẽ có nhiều nguồn lực và kinh nghiệm hơn để đào tạo. Bạn cũng có thể làm việc cho công ty khởi nghiệp, nhưng việc trở thành một trong những người của thế hệ Marketing đầu tiên sẽ khá khó khăn vì bạn không có ai để học hỏi kinh nghiệm.
Còn việc gì khác bạn nên làm để rèn luyện kỹ năng Marketing?
Hãy đọc sách, đọc blog, đọc báo,… thật nhiều. Đọc sách rất quan trọng để hình thành tư duy Marketing. Hoặc khi bạn đọc blog Marketing, bạn sẽ luôn nắm bắt xu hướng hiện tại, quan điểm của mọi người về các công ty đang thành công hoặc thua lỗ.
Bạn phải thật nổi bật trong số các ứng viên
Ở vị trí là một người làm Marketing, bạn phải sáng tạo và biết cách Marketing bản thân để thu hút sự chú ý của công ty hơn là chỉ đơn giản gửi CV và một bức thư xin việc.
Mặc dù bạn có thể gặp may mắn chỉ bằng cách gửi sơ yếu lý lịch, cơ hội của bạn vẫn rất mong manh. Ở thời đại này, khi đi xin việc bạn phải cạnh tranh với rất nhiều ứng viên giỏi và các công việc tốt thì có từ 40 đến hơn 100 ứng viên. Đó là lý do bạn cần phải thật nổi bật.
|