Câu hỏi cho vòng phỏng vấn và những gợi ý trả lời
1.Nói cho tôi biết thông tin về bạn?
:
Bước 1: Bạn có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân như sau:
Ví dụ, bạn có thể nói: Tôi là Nguyễn Mạnh Việt. Tôi tốt nghiệp cử nhân kinh doanh trường đại học Kinh tế quốc dân. Sau 5 năm làm Giám đốc kinh doanh, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo, quản lý và thúc đẩy nhân viên để đạt được mục tiêu của công ty.
Bước 2: Chia sẻ về kinh nghiệm mà bạn có được ở vị trí gần đây nhất.
Bạn hãy trình bày kinh nghiệm mà bạn có được khi làm việc trong 2-3 công ty gần đây nhất và những kinh nghiệm đó có ích gì cho công việc mới của bạn.
Ví dụ: Tôi hiện là Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Bắc của Công ty ABC. Với kinh nghiệm tích lũy được từ các khóa huấn luyện, tôi đã triển khai nhiều chiến dịch kinh doanh, phát triển được hệ thống khách hàng mới và duy trì các khách hàng hiện tại. Sau 6 tháng, tôi đã chiếm lĩnh được thị trường và đẩy doanh thu tăng 37%.
Bước 3: Trình bày những tố chất có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng
Đừng bao giờ nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ tự tìm xem bạn có tố chất gì phù hợp với công việc của họ, bạn hãy nói cho nhà tuyển dụng biết bạn có tố chất gì mà họ đang mong đợi.
Bước 4: Phỏng vấn nhà tuyển dụng
Bạn sẽ có thể “kiểm soát” buổi phỏng vấn và thu thập thêm thông tin về Công ty mình đang muốn làm việc nếu biết cách đặt ra các câu hỏi thể hiện được sự thông minh, có chiều sâu kiến thức. Với cách này, bạn có thể giảm bớt căng thẳng khi tham gia phỏng vấn và khiến nhà tuyển dụng phải “vị nể” và đánh giá đúng vị thế của bạn.
Một số mẹo khi trả lời câu hỏi:
Mẹo số 1: Cơ sở tham chiếu thông tin
Khi bạn trình bày các thông tin về mình, đừng quên đưa ra các thông tin làm cơ sở tham chiếu để nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu thêm về bạn.
Mẹo số 2: Thông tin trung thực
Nếu bạn được tuyển dụng, thông tin của bạn sẽ được lưu giữ lại. Và nhà tuyển dụng có rất nhiều cách để tìm hiểu xem thông tin bạn đưa ra là đúng hay sai. Chính vì vậy, hãy trung thực khi cung cấp thông tin cho nhà tuyển dụng.
Mẹo số 3: Luyện tập trước
Trước khi phỏng vấn, bạn hãy tập luyện ở nhà với người thân, bạn bè của mình hoặc tự tập trong phòng riêng. Khi tập luyện như thế, bạn sẽ tạo được cách trả lời trôi chảy, ngắn gọn, xúc tích, có sức thuyết phục đối với nhà tuyển dụng trong thời gian ngắn nhất có thể. Tránh việc đưa ra các thông tin không liên quan và không cần thiết.
2. Thế mạnh của bạn là gì?
Câu hỏi này giúp cho bạn đưa ra những điểm mạnh mà bạn thấy nhà tuyển dụng đang cần ở ứng viên.
Các bước để trả lời câu hỏi này:
a) Xác định điểm mạnh của bạn là gì
• Kiến thức
• Kinh nghiệm
• Kỹ năng
• Năng lực
b) Chuẩn bị danh sách điểm mạnh của bạn
Bạn nên chuẩn bị liệt kê cho mình những điểm mạnh, nổi bật nhất của mình, và một đến hai ví dụ từ những thành tích gần đây nhất cho thấy bạn đã thành công với những điểm mạnh ấy để minh họa.
c) Xem kỹ yêu cầu của nhà tuyển dụng
Bạn nên xem xét thật kỹ những yêu cầu của nhà tuyển dụng để có thể chọn trong danh sách đã “soạn sẵn” của mình những điểm mạnh phù hợp nhất với yêu cầu.
• Nhìn chung, các nhà tuyển dụng đều có xu hướng muốn nhìn thấy ở nhân viên mình các điểm mạnh chính sau:
• Kỹ năng giao tiếp tốt
• Có khả năng thích nghi với sự thay đổi về văn hóa công ty
• Linh hoạt trong giải quyết vấn đề
• Chăm chỉ
• Biết cách rút kinh nghiệm từ những sai lầm
3. Tại sao bạn lại bỏ việc?
a.Bạn có thể chuẩn bị trước một số câu trả lời cho những câu hỏi như thế này:
• Tôi luôn sẵn sàng đối mặt với các thách thức mới để có cơ hội thăng tiến.
• Công ty đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư và không còn tập trung vào lĩnh vực mà tôi đang làm. Tôi phải chuyển qua một công việc mới mà tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm và khả năng đảm trách. Vì vậy tôi ra đi để công ty tuyển dụng người khác phù hợp hơn.
• Công ty chuyển địa điểm quá xa chỗ ở của tôi.
b.Những điều bạn không nên nói:
• Than phiền về sếp cũ hoặc đồng nghiệp cũ
• Tôi đã không hoàn thành công việc của mình.
• Tôi sẽ ngồi vào vị trí của nhà tuyển dụng trong 5 năm tới
4. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?
a.Mục đích của câu hỏi này nhằm:
• Nhà tuyển dụng muốn xác định mục tiêu nghề nghiệp của bạn có phù hợp với những mục tiêu, chiến lược lâu dài hoặc nhu cầu nhân sự trước mắt của công ty hay không.
b.Các cấp độ của mục tiêu nghề nghiệp
• Chưa chắc chắn về mục tiêu của mình: Hiện tại tôi đang tập trung vào nhiệm vụ và mục tiêu của công ty nên tôi chưa có mục tiêu dài hạn cho riêng mình.
• Mục tiêu trước mắt: Tôi muốn tìm được công việc phù hợp và có thể đi làm ngay.
• Mục tiêu ngắn hạn (1 – 2 năm): Tôi sẽ học lấy bằng BMA hoặc một loại bằng nào đấy…
• Mục tiêu trung hạn (3 – 5 năm tới): Trở thành trưởng phòng / trưởng nhóm hoặc chuyên gia trong lĩnh vực đang làm.
• Mục tiêu dài hạn (5 – 10 năm tới): Trở thành giám đốc kinh doanh khu vực trong 2 năm tới và bạn muốn trở thành giám đốc kinh doanh vùng trong 5 năm tiếp theo.
c.Xác định mục tiêu phù hợp:
• Những mục tiêu này có phù hợp với công việc mà bạn đang xin hay không?
• Những mục tiêu này có giúp ích cho công việc hiện tại của bạn hay không?
• Những mục tiêu này có giúp công việc của bạn phát triển trong 3-5 năm tới không?
d.Làm thế nào để đạt được mục tiêu?
• Thiết lập danh sách những việc bạn cần phải làm để đạt được mục tiêu.
• Đảm bảo danh sách của mình rõ ràng, hợp lý và có tính khả thi.
• Sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên và thực hiện chúng hàng ngày.
|