Thông báo
Văn bản pháp quy
Tài liệu
Điều kiện bảo đảm hoạt động GDNN
Đảm bảo chất lượng cơ sở GDNN
Hỗ trợ trực tuyến
Phòng tuyển sinh: 0226 3840246 Thầy Hưng - Phó phòng đào tạo: 0916 023 000.Chuyên viên Xuyến - NV Phòng đào tạo: 01669 982 351
Thống kê
110Trực tuyến
5,232,078 Lượt truy cập

GIAI ĐOẠN TRƯỚC NĂM 1945

Thời kỳ thuộc Pháp trước năm 1945, ở Việt Nam đã có truòng đào tạo ngành Công chính từ năm 1902. Sơ lược sự phát triển hệ thống trường lớp đào tạo cán bộ công chính như sau: 

- Ngày 06/06/1902 mở Trường Thư ký và cán sự chuyên môn công chính đặt tại Hà Nội

- Ngày 15/4/1913 đổi tên thành Trường Công chính vẫn đặt tại Hà Nội. Đào tạo cán sự trung cấp chuyên môn công chính, thời gian đào tạo: 2 năm.

- Năm 1918 nâng cấp trường thành: Trường Cao đẳng Công chính, nhưng đào tạo trung cấp kỹ thuật là chính.

- Đến năm 1923-1924 có tuyển một số học xong cán sự công chính học thêm  1 năm để thành công trình sư (lớp có 4 người).

- Năm 1925: Đào tạo cán sự chuyên môn người bản xứ  cho các sở công chính, địa chính, thời gian đào tạo tăng lên 3 năm.

- Năm 1925-1926 mở lớp công trình sư cho 5 người.

- Trường Công chính tạm ngừng nhận sinh viên vào học từ năm 1931-1938 vì nhu cầu nhân sự.

- Tháng 8/1938 Trường tái hoạt động trở lại, vẫn đào tạo cán sự công chính, thời gian đào tạo 3 năm, cho các khoá: 1938-1941, 1939-1942, 1941-1944, còn khoá 1942-1945, học được 2 năm đến đầu tháng 3/1945 thì Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa, khoá học đình chỉ, sinh viên trở về quê. Sau này một số trở lại học hoàn thiện ở Trường Cao đẳng công chính dưới chính quyền cách mạng, hoặc trường dưới chế độ Ngụy lập ra từ năm 1947 ở Sài gòn.

- Năm 1943-1944 chọn 3 sinh viên đỗ đầu khoá 1938-1941, 5 sinh viên có kết quả học tập đạt 13 điểm trở lên khoá 1939-1942, vào học lớp kỹ sư đầu tiên, thời gian học 10 tháng (khi đó lớp có SV Nguyễn Nhật Quang và SV Vũ Đức Thận là Hiệu trưởng của Trường sau này).

- Năm 1944 máy bay B24 Mỹ ném bom các cơ sở của quân Nhật nên lớp kỹ sư này dời vào Đà lạt và tháng 9/1944 mới tốt nghiệp ra Trường.

- Tuy thời gian đào tạo trên 40 năm (từ 6/1902 đến tháng 3/1945) nhưng số lượng đào tạo được rất ít, theo thống kê của lớp tiền bối đi trước thì số lượng đào tạo các hệ từ 1902-1945 có 13 khoá học được 204 người, trong đó có 2 lớp công trình sư (1923 và 1925-1926) là 9 người và 1 lớp kỹ sư năm 1944 là 8 người còn lại là cán sự công chính: 187 người.


GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1945 – 1955

Tháng tám năm 1945, cách mạng thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã dành được độc lập, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Ngày 8/10/1945 Bộ trưởng quốc gia giáo dục của Chính phủ cách mạng lâm thời- Vũ Đình Hòe đã ký Nghị định: “bắt đầu từ 15-11-1945 sẽ khai giảng tại Hà Nội những trường đại học và cao đẳng kể tên dưới đây:

- Trường Y khoa, Dược khoa, Nha khoa đại học.

- Trường Cao đẳng Mỹ thuật, Cao đẳng Công chính, Cao đẳng canh nông và Cao đẳng chuyên môn”.

Để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị định trên, ngày 14-11-1945, Bộ trưởng Giao thông

công chính của Chính phủ cách mạng lâm thời Đào Trọng Kim đã ký Nghị định số 126 ấn định “Trường Cao đẳng Công chính bắt đầu khai giảng từ ngày 15-11-1945”.

Trụ sở của Trường được đặt tại 33 phố Hàng Tre- một phần trụ sở của Bộ giao thông công chính, sau này là trụ sở của Bộ Thủy lợi.

Ông Nguyễn Như Quỹ, kỹ sư hạng tư ngạch công chánh, Giám đốc Nha Hoả xa được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng nhà trường, đã tập hợp lại được 44 sinh viên cũ của “Trường Cao đẳng công chính” thành lập theo Nghị định 8-8-1944, của Toàn quyền Đông dương đã bị giải thể cùng chế độ cũ.

Tháng 12/1946, Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Trường Cao đẳng Công chính tạm ngừng đào tạo, đi sơ tán  và phục vụ kháng chiến.

Tháng 10/1947, tại nơi sơ tán (Chùa Viên Đinh, làng Chuôm thuộc Cống Thần- Chợ Đại, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông) đã chính thức khai giảng khoá đầu tiên của Trường Cao đẳng Công chính gồm 3 lớp (2 lớp cao đẳng, 1 lớp Trung đẳng).

Thực dân Pháp âm mưu mở rộng vùng chiếm đóng, uy hiếp Hà Đông. Tháng 4/1948 Trường phải di chuyển vào huyện Yên Mô tỉnh-Ninh Bình. Ông Đặng Phúc Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính trực tiếp làm Hiệu trưởng Nhà trường. Đến tháng 7 năm 1949, Nhà trường tổ chức kỳ thi quốc gia khoá 1 cho hai hệ Cao đẳng và Trung đẳng. Đã có 17 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 7 sinh viên Cao đẳng Kỹ sư, 10 học sinh tốt nghiệp Trung đẳng.

Tháng Hai năm 1949, theo Sắc lệnh số 2 SL, ngày 01 tháng 02 năm 1949 của Chính phủ về việc thành lập Trường Cao đẳng kỹ thuật và Nghị định số 60-D/SH ngày 24 tháng 02 năm 1949 của Bộ Giao thông công chính, Nhà trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật, có nhiệm vụ đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật về Giao thông Công chính, Kiến trúc, Bưu điện, Thủy lợi… đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đầu năm 1949, chi bộ Đảng đầu tiên của Nhà trường đã được thành lập, xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động của Nhà trường.

Tháng 2/1949, Nhà trường tiếp tục phải sơ tán vào Đa Nê- Yên Định Thanh Hoá rồi chuyển sang Phong Lạc, đến Mai cầu, Trung Chính, huyện Thọ Xuân. Dù phải di chuyển nhiều nơi, Nhà trường vẫn đảm bảo việc giảng dạy, học tập, đảm bảo sinh hoạt của Nhà trường; tiến hành chiêu sinh khoá 2 và khoá 3, trong đó khoá 2 đào tạo cả Cao đẳng và trung đẳng công chính, khoá 3 chỉ đào tạo trung đẳng công chính, trung đẳng bưu điện, thời gian đào tạo là 2 năm. ( Sinh viên khóa 2- Nguyễn Trọng Khiển, sau này là Hiệu trưởng).

Năm 1950, Nhà trường tổ chức kỳ thi tốt nghiệp thứ hai cho 2 lớp Cao đẳng IIA, II B và một lớp Trung đẳng khoá II; có 26 sinh viên Cao đẳng, 14 học sinh lớp Trung đẳng được Bộ Trưởng Bộ Giao thông công chính Trần Đăng Khoa công nhận tốt nghiệp tại nghị định 275-SH/NĐ.

Năm 1951, để đảm bảo an toàn và tranh thủ sự lãnh đạo của Trung ương, toàn Trường lại sơ tán lên Việt Bắc. Đến cuối năm 1951, Trường chuyển đến làng Chẩu, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và đóng tại đó cho đến khi hoà bình lập lại 1954.

Trong thời gian này, Nhà trường vẫn đảm bảo việc học tập cho khoá 3, khoá 4, tổ chức thi tốt nghiệp cho 30 sinh viên cao đẳng khoá 3; đồng thời chiêu sinh khoá 5, 6 đưa tổng số sinh viên lên gần 200 người, chưa kể lớp Trung cấp Bưu điện khoá 4 đã được tách ra để thành lập trường Trung cấp Bưu điện do yêu cầu phát triển của ngành Bưu điện (1952). Ngoài ra Nhà trường còn tổ chức huấn luyện những kiến thức chuyên môn sơ cấp về cầu đường hơn 100 cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong.

Hoà bình lập lại, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, trên 100 thày trò Nhà trường tổ chức thành lập đoàn khảo sát gồm 6 đội dưới sự chỉ huy của Ông Nguyễn Nhật Quang- Hiệu trưởng Nhà trường, tham gia khảo sát, thiết kế tuyến đường sắt Hà Nội- Mục Nam Quan. Cũng từ tháng 3/1955, Bộ Giao thông Công chính đã quyết định rút một số cán bộ của Trường (Ông Nguyễn Nhật Quang, Đào Hữu Râu, Nguyễn Thành Vân) để thành lập Ban Xây dựng lại trường mới. Trụ sở của Ban đặt tại 33 Nguyễn Thượng Hiền, sau đó chuyển về làng Thủ Lệ (trên khu Voi phục hiện nay) để tiến hành công việc xây dựng lại trường.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khôi phục tuyến đường sắt, cán bộ, thày và trò Nhà trường trở về Hà Nội xây dựng cơ sở mới tại Cầu giấy để mở lại Trường Cao đẳng Công chính và chuẩn bị tuyển sinh khoá 7 trung cấp, được khai giảng vào ngày 06 tháng 7 năm 1955. ( Ông Đỗ Xuân Trĩ – học sinh khóa 7 trung cấp Thủy lợi- sau này là Hiệu trưởng).


THỜI KỲ TRƯỜNG GHÉP: TRUNG CẤP THỦY LỢI KIẾN TRÚC (1956 - 1958) VÀ NẰM TRONG HỌC VIỆN THỦY LỢI (1959-1964)

Tháng 8/1956, Nhà nước có Quyết định chuyển sang đào tạo nguồn lực lao động lớn trình độ trung cấp để phục vụ đất nước trong xây dựng hoà bình, Trường Cao đẳng công chính được tách ra thành các trường Trung cấp: Trung cấp giao thông, Trung cấp Thuỷ lợi Kiến trúc, các trường này bắt đầu hoạt động từ đầu năm 1957. Trường Trung cấp Thủy lợi Kiến trúc đóng tại km 10 Hà Đông, do ông Nguyễn Văn Châu làm Hiệu trưởng. Tuyển sinh các khóa 8, 9. ( ông Mai Văn Lộ - Học sinh khóa 9 – Trung cấp Thủy lợi sau này làm Hiệu trưởng).

Tháng 3/1958 Do tách Bộ Thủy lợi Kiến trúc thành 2 Bộ nên trường Trung cấp Thủy lợi Kiến trúc được tách làm 2 trường. Trường Trung cấp Thủy lợi vẫn do ông Nguyễn Văn Châu làm Hiệu trưởng. Tuyển sinh các khóa 10,11.

Năm 1959 Chính phủ ra quyết định thành lập Học viện Thủy Lợi trên cơ sở trường Trung cấp Thủy lợi với ba nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học Thủy lợi, đào tạo đại học Thủy lợi, đào tạo trung cấp Thủy lợi và Điện lực. Tuyển sinh các khóa Trung cấp 12,13.

Bước vào năm học 1961-1962, Học viện có thêm Trung cấp Điện, và cũng từ thời gian này Học viện có tên gọi “Học viện Thủy Lợi và điện lực”.

Năm 1962, một bộ phận của trường Trung cấp Thủy lợi gồm đầy đủ mọi bộ môn giảng dạy và quản lý, phục vụ… lên Thái Nguyên thành lập trường Trung cấp Thủy lợi miền núi. Trường này tồn tại 20 năm và đến năm 1982 thì sáp nhập về trường Trung học Thủy lợi I (Phủ lý- Hà Nam).

Năm 1963, Trung cấp điện chuyển về Bộ Công nghiệp.

Năm 1963, do nhu cầu nghiên cứu khoa học, Bộ Thủy Lợi có quyết định số 296 TL/QĐ ngày 9/5/1963 tách Học viện Thủy Lợi điện lực thành hai đơn vị: Trường Đại học và trung cấp Thuỷ Lợi; Viện nghiên cứu khoa học Thủy Lợi.

Năm 1964 Bộ Thủy Lợi đã ra quyết định số 351/TL/QĐ ngày 28/4/1964 tách trường Đại học và Trung cấp Thủy Lợi thành hai đơn vị trường Đại học Thủy Lợi và trường Trung cấp Thủy lợi.

 

THỜI KỲ TRƯỜNG TRUNG CẤP THỦY LỢI TW  (1964 - 1976)

Từ năm 1964 trường Trung cấp Thủy lợi TW trở về đóng tại km 10 Hà Đông,  do thầy Vương Huê, Bộ đội chuyển ngành làm Hiệu trưởng. Tuyển sinh khóa 14,15,16.

Năm 1966, Trường sơ tán về xã Hương Sơn, Lưu Hoàng, Lưu Nguyễn, huyện Ứng Hòa- Hà Tây. Tuyển sinh các khóa 17,18,19, 20.

Từ năm 1970, trường chuyển địa điểm về xã Liêm Chung –Huyện Thanh Liêm – Hà Nam. Tuyển sinh các khóa 21, 22.

Năm 1972, giặc Mỹ lại ném bom đánh phá miền Bắc, Trường lại sơ tán về các thôn Tái, Đầm, Thá, Lơ, các xã Liêm Tiết, Liêm Cần – Huyện Thanh Liêm và An Lão- huyện Bình Lục. Tuyển sinh các khóa 23,24.

Năm 1973 sau Hiệp định Pa- ri, Trường trở về Liêm Chung- Thanh Liêm. Tuyển sinh liên tục các khóa từ K24 đến nay.

Sau khi nước nhà hoàn toàn độc lập, thống nhất năm 1976, đáp ứng nhu cầu phát triển Thủy lợi miền Nam, Bộ Thủy lợi thành lập 4 trường Trung học Thủy lợi mang tên:

          1/ Trường Trung cấp Thủy lợi TW thành trường Trung học Thủy lợi I.

          2/ Trường  Trung học Thủy lợi II ( Hội An- Quảng Nam)- nay là trường Cao đẳng công nghệ, kinh tế và thủy lợi Miền Trung.

          3/ Trường Trung học Thủy lợi III (Tiền Giang)- nay là trường Cao đẳng Nông nghiệp và PTNT Nam Bộ.

          4/ Trường Trung học Thủy lợi IV (Tây Nguyên) – nay là trường Dạy nghề dân tộc nội trú Đắc Lắc.

          Trường trung cấp Thủy lợi TW đã san sẻ một số cán bộ vào để giúp thành lập các trường phía Nam.

TRƯỜNG TRUNG HỌC THỦY LỢI I ( 1976 – 2008)

Trường Trung cấp Thủy lợi I, tiếp tục xây dựng và phát triển ổn định tại Liêm Chung- Phủ Lý- Hà Nam. Trường tiếp tục tuyển sinh từ khóa 28 đến khóa 60 thì được nâng cấp lên thành Trường cao đẳng.

          Năm 1978, thầy Nguyễn Trọng Khiển - Phó Hiệu trưởng được Bộ Thủy lợi bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường thay thầy Vương Huê được nghỉ hưu. Trường tiếp tục tuyển sinh từ khóa 30 đến khóa 34, đây là giai đoạn bao cấp rất khó khăn số học sinh giảm dần đến năm 1983 chỉ tuyển được 60 HS khóa 34. Năm 1982 sau 20 năm tồn tại và phát triển, trường Trung học Thủy lợi miền núi (Thái Nguyên) sáp nhập về trường Trung học Thủy lợi I cùng nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật cho 6 tỉnh miền núi phía Bắc.

Từ năm 1979-1983 Trường đã tiếp nhận và đào tạo được 114 lưu học sinh hệ Trung cấp ngành tổng hợp, cho nước bạn Lào.

Từ năm 1981-1983 Trường cử một số giáo viên sang giúp bạn xây dựng trường Trung cấp Thủy lợi Tạt-Thoong và giảng dạy tại Lào như các ông: Đỗ Xuân Trĩ, Trương Văn Hiếu, Trần Đức Tiến, Ngôn Văn Điển,. . .

Từ năm 1983-1988 thầy Đỗ Xuân Trĩ, Phó Hiệu trưởng, được Bộ Thủy lợi bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng nhà trường thay thầy Nguyễn Trọng Khiển chuyển công tác khác. Trường tiếp tục tuyển sinh các khóa 35 đến 39. Trong giai đoạn này trường tiếp tục gặp khó khăn về công tác tuyển sinh, số học sinh tuyển được hàng năm trên dưới 100 em, đời sống của cán bộ, giảng viên khó khăn do kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng do chính sách cấm vận của Mỹ, chiến tranh biên giới. Năm 1988 thầy Trĩ đi phụ trách lao động ở I Rắc.

Năm 1992 trường công nhân kỹ thuật khảo sát I (Lương Sơn – Hòa Bình) sáp nhập về trường, kèm theo nhiệm vụ đào tạo nghề khoan địa chất công trình phục vụ xây dựng các công trình Thủy lợi. Thầy Mai Văn Lộ- Phó Hiệu trưởng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng từ năm 1988-1998. Thầy Đặng Hưng Lâm được bổ nhiệm làm P. Hiệu trưởng. Trong giai đoạn này trường tiếp tục tuyển sinh trung cấp từ khóa 40-50, liên kết với Đại học Thủy lợi mở 3 khóa Cao đẳng. Trường mở rộng hoạt động sản xuất: Tư vấn xây dựng, thi công công trình Thủy lợi, bồi dưỡng ngắn hạn.

Năm 1998 Thầy Trần Công Duyên – P. Hiệu trưởng được Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ nhiệm làm Hiệu trưởng thay thầy Mai Văn Lộ được nghỉ hưu. Thầy Nguyễn Bá Tuyn là P. Hiệu Trưởng, từ năm 2005 thêm thầy Vũ Văn Đoan, Phạm Phê làm P. Hiệu trưởng. Trường tiếp tục tuyển sinh đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật và tham gia hoạt động sản xuất.

TRƯỜNG CAO ĐẲNG THỦY LỢI BẮC BỘ (2008 – NAY)

Ngày 23/1/2008 Bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quyết định số 413/QĐ-BGDĐT về việc thành lập trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ trên cơ sở trường Trung học Thủy lợi I.

Ngày 4/2/2008 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT quyết định bổ nhiệm ông Trần Công Duyên- Hiệu trưởng trường Trung học Thủy lợi I làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ, các ông Nguyễn Bá Tuyn, Vũ Văn Đoan, Phạm Phê – Phó Hiệu trưởng trường Trung học Thủy lợi I làm Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ.

Ngày 14/2/2008 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT ban hành quyết định số 485/QĐ-BNN-TCCB qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ.

Thế là từ trường Cao đẳng Công chính, chia tách ra thành trường trung cấp Thủy lợi năm 1956, sau 52 năm lại trở lại thành trường Cao đẳng chuyên ngành Thủy lợi, là một chuyên ngành đào tạo của trường cao đẳng Công chính trước đây.

Ngay trong năm 2008, Trường đã tuyển sinh K1 được 330 sinh viên các chuyên ngành: Kỹ thuật công trình, Kỹ thuật tài nguyên nước, kế toán.

Ngày 1/4/2008 ông Nguyễn Bá Tuyn được Bộ bổ nhiệm làm Hiệu trưởng thay thế ông Trần Công Duyên nghỉ hưu.

Năm 2010 trường long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương độc lập Hạng Nhất.

Ngày 1/4/2013 ông Vũ Văn Đoan được Bộ bổ nhiệm làm Hiệu trưởng thay thế ông Nguyễn Bá Tuyn nghỉ hưu.

Năm 2012, trường được UBND tỉnh Hà Nam cấp 3,3 ha đất để xây dựng mở rộng, đến đầu năm 2014, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu B đã hoàn thành với qui hoạch một nửa để xây dựng khu ký túc xá HSSV, và một nửa để xây dựng khu giáo dục thể chất.

Trường được phép đào tạo Cao đẳng chuyên nghiệp, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề, bồi dưỡng cấp chứng chỉ các lớp quản lý ngắn hạn, tin học ngoại ngữ, đào tạo liên thông Trung cấp lên Cao đẳng, liên kết đào tạo liên thông Cao đẳng lên Đại học. Hoạt động sản xuất giảm dần và đến năm 2014 thì dừng hẳn, theo qui định của trên. Từ năm 2003 trường được đầu tư xây dựng ngày một khang trang.


Thư viện ảnh
000111101010221344

Trang chủ|Giới thiệu|Đoàn thể|Phòng|Khoa - Trung tâm|Tuyển sinh - Việc làm|Công tác HSSV|78 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG
TRƯỜNG CAO ĐẲNG THUỶ LỢI BẮC BỘ
Địa chỉ : Km số 2 Đường Trần Thị Phúc - TP.Phủ Lý - tỉnh Hà Nam
Điện thoại : 0226 3 840 246 - Fax : 0226 3 840 246
Email : cdtlbb@gmail.com 
Website : www.caodangthuyloibacbo.edu.vn
Copyright 2011 caodangthuyloibacbo.edu.vn.
Thiết kế và phát triển bởi Trần Phong Computer