Theo thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, tại hội nghị, nhiều đại biểu nhấn mạnh đến khó khăn chung về đầu vào đối với các ngành khoa học cơ bản. Trên thực tế, có nhiều ngành học có nhu cầu xã hội cao, ra trường dễ xin việc làm tại các tỉnh, địa phương, trong khi đa phần sinh viên sau khi ra trường lại mong muốn ở lại các thành phố lớn. Một số ngành học như Công nghệ Biển, Khoa học Vật liệu, Khí tượng Thủy văn… là những ngành học đang trong tình trạng có nhu cầu xã hội cao nhưng khó tuyển sinh.
Các đại biểu đề nghị, đối với một số ngành học, chương trình đào tạo khó tuyển, nhà trường có thể tạm dừng tuyển sinh để điều chỉnh và tìm hiểu thêm về nhu cầu xã hội và tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành dễ tuyển, có nhu cầu xã hội cao. Một số ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh nhưng là nhiệm vụ chiến lược, có vai trò quan trọng trong phát triển nhân lực của đất nước, nhà trường cần đề nghị ĐHQGHN linh động trong áp dụng điểm sàn để thu hút thí sinh đăng ký.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phạm Trọng Quát, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Nhà trường cần công khai việc đáp ứng nhu cầu xã hội của từng ngành đào tạo, công khai các chuẩn đầu ra. Đối với những ngành khoa học cơ bản có vai trò chiến lược trong đào tạo nhân lực cho đất nước, nhà trường và ĐHQGHN cần có những đề xuất chính thức lên cấp trên để có những ưu đãi đặc biệt cho sinh viên, cán bộ làm trong các ngành này, từ đó sẽ cải thiện được khó khăn trong khâu tuyển sinh".
Về điểm sàn, PGS.TS Quát cho biết, sẽ cân nhắc khả năng điều tiết trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung cho sinh viên các khóa, các ngành, đồng thời đảm bảo yêu cầu đào tạo chất lượng cao của ĐHQGHN.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên hiện đang đào tạo cử nhân khoa học và cử nhân công nghệ thuộc 22 ngành học với 43 chương trình đào tạo. Theo lãnh đạo nhà trường với chủ trương đảm bảo chất lượng đào tạo nên sẽ giữ ổn định quy mô tuyển sinh. Dự kiến chỉ tiêu năm 2011 của trường là 1.310.
Theo lãnh đạo nhà trường, trường có nhiều ngành học “ưu tiên” cho sinh viên được học thêm chuyên ngành thứ 2 tại ĐH khác. Cụ thể, thí sinh trúng tuyển các ngành Vật lý, Khoa học vật liệu, Công nghệ hạt nhân, Hóa học và Công nghệ hóa học nếu có nguyện vọng sẽ được xét tuyển vào lớp học tăng cường tiếng Pháp do Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) tài trợ.
SV ngành Khí tượng học, Thủy văn học, Hải dương học có cơ hội học thêm ngành thứ hai Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ; SV các ngành Vật lý, Khoa học Vật liệu, Công nghệ Hạt nhân có cơ hội học thêm ngành thứ hai Công nghệ Điện tử-Viễn thông của Trường ĐH Công nghệ; SV ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên có cơ hội học thêm ngành thứ hai Kinh tế phát triển của Trường ĐH Kinh tế; SV ngành Địa lý có cơ hội học thêm ngành thứ hai Địa chính và SV ngành Địa chính có cơ hội học thêm ngành thứ hai Địa lý của Trường.
Về chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng của trường,các ngành Toán học, Toán - Cơ, Vật lí, Hóa học, Sinh học dành cho những SV đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản để tạo nguồn nhân tài cho đất nước. Sau khi trúng tuyển nhập học, SV được đăng ký xét tuyển vào hệ tài năng theo quy định riêng. Ngoài các chế độ dành cho SV chính quy đại trà, SV hệ tài năng được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1 triệu đồng/tháng, được bố trí phòng ở miễn phí trong KTX của ĐHQGHN. Ngoài kiến thức và kĩ năng chuyên môn đạt trình độ quốc tế, SV được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để đạt trình độ C1 tương đương 6.0 IELTS.
Hồng Hạnh